50 năm giải mã

Người 50 năm giải mã chữ của tổ tiên người Việt  (1)

 
 (VTC News) - Ông Xuyền nói: “Đây là chữ Khoa đẩu, chữ của người Việt cổ, của tổ tiên chúng ta. Từng chữ bốc lên như ngọn lửa, nên gọi là Hỏa tự”. Trong tôi trào dâng niềm xúc động, mặc dù, nhìn vào những dòng chữ đó, tôi chả hiểu được điều gì.



Tôi nhớ mãi cái buổi tại Trung tâm Văn hóa người cao tuổi ở phố Đặng Văn Ngữ (Đống Đa, Hà Nội), vào cuối năm 2007, ông giáo già người Phú Thọ, đã thuyết trình cả buổi trước 40 nhà khoa học, toàn các giáo sư, tiến sĩ, các nhà sử học, ngôn ngữ học, văn học nước nhà. Lúc thì trên máy chiếu, lúc trên bảng đen, ông như thầy giáo của thời xưa cũ, và các nhà khoa học lớn của nước nhà, như những học trò, ngồi nghe ông thuyết giảng về một loại ký tự lạ. Loại ký tự lạ ấy không phải của người ngoài hành tinh, mà chính là của tổ tiên chúng ta!



PHOTO
Ông giáo già Đỗ Văn Xuyền giảng giải về chữ Việt cổ (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Tôi cũng từng được nghe đâu đó, trong sử sách, truyền thuyết, rằng tổ tiên ta cũng có chữ cổ, rằng thứ chữ ấy có tên Khoa đẩu. Quả thực, tôi rất tò mò về loại chữ này. Tôi đã nhiều lần đến bãi đá cổ Sapa, đôi ba lần đến bãi đá cổ Pá Màng (Liệp Tè, Thuận Châu, Sơn La, hiện các hòn đá đã được khai quật, giải phóng cho lòng hồ thủy điện Sơn La), bãi đá cổ ở Xín Mần (Hà Giang) và vinh dự là người đầu tiên được “người rừng” Trần Ngọc Lâm dẫn vào đại ngàn Hoàng Liên Sơn tận mắt bãi đá có hình khắc chưa từng được biết đến. Tuy nhiên, với khả năng hạn hẹp (gần như bằng không về cổ tự), tôi chỉ quan sát cho thỏa trí tò mò. Những hình vẽ loằng ngoằng đó liệu có phải cổ tự không, thú thật, tôi còn chẳng biết.


PHOTO
Theo các nhà khoa học, trên bãi đá cổ Sapa xuất hiện nhiều chữ Việt cổ.

Hôm nghe ông thầy giáo về hưu Đỗ Văn Xuyền nói như lên đồng trước đông đảo các nhà khoa học, trong hội trường chật hẹp, về một thứ chữ cổ của người Việt, đã thất truyền, giờ được ông giải mã, không riêng gì tôi, nhiều nhà khoa học vô cùng xúc động. Dù thứ ngôn ngữ và cách giải mã của ông giáo già Đỗ Văn Xuyền chưa được thừa nhận chính thức, song nó đã khẳng định một điều, rằng đất nước ta, rằng người Việt chúng ta, từ mãi thời Vua Hùng, từ tận thời Đông Sơn mấy ngàn năm trước, đã từng có chữ. Chữ là văn minh, chữ là thịnh vượng. Rằng chúng ta không phải những người “ăn nhờ” văn hóa, “đi mượn” chữ viết của các dân tộc khác. Điều này quan trọng biết bao, ý nghĩa biết bao và bớt đi tủi nhục biết bao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét