Dân tộc Thủy


Dân tộc Thủy
Bộ tộc chỉ 92 người ở Việt Nam -

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Thủy ở Tuyên Quang có số thành viên ít nhất, 92 người. Dưới mái rừng u tịch, cuộc sống của họ ẩn chứa bao điều huyền bí…

Hành trình khốc liệt đi tìm sự sống
Người Thủy đang ở bản Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện mới Lâm Bình. Theo chân một người dân bản địa, chuyến viếng thăm bất ngờ của chúng tôi được khởi hành từ huyện Chiêm Hóa. Từ đây vào Hồng Quang chỉ mất 40 cây số, đường đi có đoạn đã trải nhựa, có đoạn vẫn đất trơn tuồn tuột. Đường ấy chỉ dẫn đến trung tâm xã, còn vào Thượng Minh chỉ có đường đất.




Đường xuyên tán rừng, mấy năm trước, mọi sự di chuyển chỉ nhờ đôi chân. Bây giờ, xe máy đã nhúc nhắc qua lại, nhưng những hôm mưa thì khốn khổ vô cùng. Bởi thế, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang, ông Mai Đình Nhiêu đã nằng nặc khuyên chúng tôi không nên vào đó khi ngoài trời mây đen vần vũ. Muốn tận khổ cùng đồng bào nên chúng tôi vẫn dứt khoát đi.

Sau một hồi đôn đáo khắp nơi cuối cùng vị lãnh đạo đảng bộ xã nhiệt tình ấy đã tìm ra phương tiện để phục vụ đoàn di chuyển. Một chiếc xe đặc dụng đã được trưng dụng. Chiếc xe này chuyên chở vật liệu xây dựng cho đồng bào các bản vùng cao. Thấy chúng tôi còn ngần ngại, chủ xe bảo, cứ vô tư đi, xe này đường nào cũng chấp. Quả đúng như “quái xế” đường rừng ấy nói, chỉ sau mấy tiếng gầm rú, chiếc xe cứ lầm lũi cắt rừng mà đi, mặc cho trời mưa như trút nước.

Mưa mãi rồi cũng tạnh. Và cuối cùng, sau mấy giờ vật vã, chúng tôi cũng đến được nơi mình cần đến. Bản làng người Thủy hiện ra mờ ảo trong sương, dưới những tán cọ khổng lồ. Thấy có người lạ bất ngờ viếng thăm, đám trẻ con lúc thì chạy táo tác, khi thì đứng lại chỉ chỏ cười nói bằng tiếng dân tộc không ai hiểu nổi.

Theo sự chỉ dẫn của cán bộ xã Hồng Quang, khi vào đến Thượng Minh, người đầu tiên chúng tôi muốn gặp là cụ Bàn Văn Kim, thầy mo cuối cùng của người Thủy. Năm nay, tuổi gần 80, cụ Kim là người cao tuổi nhất trong cộng đồng tộc người có số thành viên ít nhất Việt Nam này.

Cụ Kim người nhỏ thó, tiếng Kinh nói lơ lớ. Nhắc lại chuyện xưa, cụ bảo, chừng 400 năm trước, người Thủy sống ở Quý Châu, Trung Quốc. Ngày ấy, bởi là một nhánh của người Mông, sống cạnh sông suối nên người Thủy được gọi là Mông nước, hay Mèo nước. Cái tên tộc người Thủy chỉ xuất hiện khi tộc người này đến cư trú tại Việt Nam.

Nói về cuộc thiên di vĩ đại nhưng đầy khổ đau ấy, cụ Kim kể, ngày ấy bởi chiến tranh, bệnh dịch hoành hành, người Mông nước phải cất bước thiên di. Xuôi phương Nam, ban đầu, người Thủy chọn đất Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang làm nơi an cư lạc nghiệp. Cụ Kim kể, trong cuộc ly hương khốc liệt ấy, cả bộ tộc hàng ngàn người khi đến nơi định cư mới chỉ còn khoảng 80 hộ với vài trăm người. Bệnh tật, đói khát đã làm nhiều sinh linh bỏ mạng trên dặm dài thiên lý.

Do ngôn ngữ, tập tục khác hẳn các dân tộc địa phương ở Hà Giang nên nhóm người Thủy lúc bấy giờ sống biệt lập. Họ dựng vợ gả chồng quanh quẩn trong bản. Trong quá trình mưu sinh gay gắt đó cộng với tình trạng hôn nhân cận huyết và bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc đã làm người Thủy chết dần chết mòn. 80 hộ đến được Hà Giang chỉ còn chưa đến 10. Sau cách mạng tháng 8, người Thủy lại tiếp tục thiên di. Khi ấy về Tuyên Quang họ chỉ còn vỏn vẹn 13 người của 3 họ Lý, Mùng, Bàn.

Báu vật đá thiêng
Theo cụ Kim thì sở dĩ tộc người của cụ sống sót và phục hồi như ngày nay là bởi có thần linh che chở. Thần linh giúp người Thủy vượt qua khổ ải, giúp nương ngô nhiều hạt, ruộng lúa nhiều bông. Thần linh luôn ngự trị trong tâm hồn mỗi người dân trong cộng đồng. Thần linh soi đường, mở lối, mách bảo mọi người tìm ra ánh sáng, lẽ phải ở đời. Bao đời nay thần linh vẫn trú ngụ trong hòn đá thiêng mà người Thủy xem như là báu vật vô giá.

Minh chứng cho những lời mình nói, vẻ cung kính, run rẩy, cụ Kim xuống bếp bê lên một chiếc hòm nhỏ có vải đỏ phủ kín xung quanh. Chiếc hòm đó đựng hòn đá thiêng, vật mà cụ nhận từ tiền nhân đời trước. Hòn đá đó chỉ những người có uy tín trong tộc mới được quyền cất giữ. Mặt nghiêm nghị, chậm rãi, cụ Kim nhấc hòn đá đặt lên bàn. Hòn đá to chừng nắm tay, xù xì như bao hòn đá mà mọi người vẫn thấy nơi bờ suối, bờ sông. Chỉ khác một điều hòn đá có lỗ, có thể xâu dây qua, treo lủng lẳng.

Hướng mắt lên đỉnh núi mờ sương, cụ Kim bảo, hòn đá thiêng này gắn bó với cộng đồng người Thủy khi mọi người thiên di xuống phương Nam. Ngày trước, khi còn ở quê cũ, tộc của cụ sở hữu một hòn đá thiêng khác. Ngày ấy, có thần linh hộ mệnh, người Mèo nước hùng cường, khiến nhiều tộc khác ghen tị. Biết đối thủ có bảo vật hộ thân nên một tộc khác đã cho gián điệp đánh cắp hòn đá rồi dùng tà thuật làm tan biến hết phép nhiệm mầu. Chính bởi chuyện này mà người Mèo nước suy vong, sau cùng phải lìa bỏ mảnh đất gắn bó với mình.

Khi tới quê hương mới, nguyện ước được sống dưới sự nhiệm mầu, những thầy mo trong cộng đồng đã làm lễ tế linh đình khẩn xin thần linh trở lại. Và, để mong ước đó thành hiện thực thì mọi người trong tộc phải tìm hòn đá thiêng mới. Có được hòn đá độc đáo này, theo cụ Kim thì cha ông cụ đã phải lặn lội vượt cả trăm ngọn núi, nghìn con đèo, lên đầu nguồn con suối có nước trong lành nhất, lựa những nơi không có dấu chân người để tìm kiếm. Tìm được hòn đá như ý rồi thì lại làm lễ rước thần linh vào ngự hệt như người Kinh hô thần nhập tượng ở miền xuôi.

Đá thiêng giúp người Thủy vượt qua sóng gió, vận hạn. Và, dưới sự nhiệm mầu của đá, con trâu thả trên rừng béo tròn, cây lúa cắm dưới ruộng trĩu bông, con cá thả dưới ao mau lớn. Không chỉ đem lại ấm no, an lành mà theo quan niệm của người Thủy, đá thiêng còn giúp dân làng… chữa bệnh.

Ông Lý Văn Lâm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Quang cho biết, người Thủy quan niệm, trong nhà có người ốm đồng nghĩa với việc bị con ma trên rừng nhập vào quấy phá và việc duy nhất của họ là mời thầy mo mang theo hòn đá thiêng về cúng. Lễ vật của buổi lễ trừ tà tùy thuộc vào lời mách bảo của thần linh. Thần bảo bệnh nặng thì phải cúng bằng lợn, trâu bò, còn bệnh nhẹ thì cúng bằng gà, bằng chân giò lợn.

Cụ Kim bảo, người Thủy có 2 bài chú để mời gọi thần linh ra tay cứu rỗi, che chở cho mình. Những lời chú ấy chỉ thầy mo mới rõ và tuyệt nhiên không được truyền lộ ra ngoài. Nếu bí mật đó không được giữ kín thì sự linh nhiệm của đá thần cũng không còn nữa. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, thầy mo ngồi xổm quay đầu về núi phía mặt trời mọc, dùng ngôn ngữ Thủy cổ đọc chú. Tiếp đó tiến đến gần chỗ người ốm nằm, đặt hai khuỷu tay trên đầu gối, hai bàn tay chìa ra nâng que gỗ buộc hòn đá thiêng, giữ im hòn đá trên đầu người ốm và tiếp tục đọc bài chú thứ hai. Người nhà kính cẩn ngồi chắp tay quanh mâm đồ lễ.

Buổi lễ diễn ra trong không khí tuyệt đối tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng lầm rầm khấn vái của thầy mo. Hòn đá thiêng treo dưới sợi dây bất chợt đung đưa và họ tin rằng như vậy thần linh đã về để "xử lý" con ma đang hành hạ người bệnh.

Khi rời về Tuyên Quang, người Thủy sống lang bạt trên các đỉnh núi cao. Nơi đầu tiên họ đến là xã Lăng Can, trước đây thuộc huyện Nà Hang, giờ thuộc huyện mới Lâm Bình. Ở đó canh tác gặp nhiều khó khăn bởi núi đá cheo leo, quen bước phiêu du, người Thủy lại di về xã Hồng Quang. Về đất này, trước đây, người Thủy vẫn chọn đỉnh núi làm nơi trú ẩn. Bởi sống biệt lập nên tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra.

Trước nguy cơ diệt vong của tộc người này, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, chính quyền địa phương đã vận động người Thủy xuống vùng thấp định cư, sống xen cùng người Tày, người Pà Thẻn. Thầy mo Bàn Văn Kim bảo, người Thủy quen cuộc sống hoang dã, gắn bó với rừng với núi nên việc chuyển xuống vùng thấp có nhiều dân tộc khác sinh sống là một quyết định vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, trước nguy cơ diệt vong, lại thêm sự đồng thuận của thần linh nên mọi người quyết định bìu ríu nhau xuống núi. Theo cụ Kim thì đó là quyết định sáng suốt. Xuống núi, cộng đồng người Thủy đã thực sự hồi sinh.

Đi tìm ánh sáng
Xuống núi, người Thủy học cách trồng cây lúa nước, học nuôi gia súc trong chuồng. Điều đặc biệt, bởi sống xen cư với các dân tộc khác nên vấn nạn hôn nhân cận huyết đã được bài trừ. Khi con đường nối liền bản Thượng Minh với trung tâm xã được mở rộng, theo chân con em các dân tộc khác, trẻ con người Thủy cũng được ra xã học cái chữ. Theo ông Mai Đình Nhiêu, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang thì người Thủy sáng dạ và chăm chỉ học hành như chăm chỉ lên nương, xuống ruộng.

Ở bản Thượng Minh, ông Lý Văn Ngọc (SN 1970) là người rất nổi tiếng. Chẳng phải nhà ông có hàng chục con trâu bò hay có tòa ngang dãy dọc gì mà chỉ bởi ông là đảng viên duy nhất của tộc người Thủy và có 4 người con đều dám "vượt qua" lời nguyền của núi rừng, tìm đến ánh sáng văn minh. Trầm ngâm bên bếp lửa, ông Ngọc chỉ về dãy núi cao như bức tường thành bao bọc bản làng: "Tổ tiên của tôi tin rằng thần linh ngự trị trên các đỉnh núi đó, chỉ có sống tại bản làng thì mới được các vị thần che chở nên ít khi người dám vượt núi tính kế mưu sinh". Người con gái đầu tiên vượt núi đi tìm cái chữ ở nơi xa là Lý Thị Toàn, con gái cả của ông Ngọc.

Toàn sinh năm 1988, là hoa khôi của bản Thượng Minh. Mắt Toàn trong veo như nước suối, sắc như bóng nắng trưa hè. Người Thủy trước đây lấy vợ, gả chồng từ thuở 12, 13 tuổi. Bởi là bông hoa ngất ngây hương sắc, Toàn là trung tâm chú ý của mọi người. Thế nhưng, nghĩ đời mình không thể quanh quẩn nơi bản làng quạnh quẽ, Toàn đã không nghe tiếng đàn tính tha thiết của chàng trai người Tày, mắt không nhìn dáng hình dũng mãnh của chàng trai Pà Thẻn trong đêm nhảy lửa. Cô muốn dành tất cả cho việc học bởi cô biết chỉ có con đường đó mới khiến cô tìm được hạnh phúc cho mình.

Ngày đầu tiên Toàn rời bản về tỉnh học Trường Trung cấp Y, ông Ngọc lo lắng lắm. Ông nhờ cả thầy mo Kim dùng hòn đá thiêng kêu gọi thần linh phù hộ mang lại may mắn cho con gái mình. Chẳng biết do hòn đá thiêng của thầy mo Kim linh ứng hay nhờ công chịu khó học tập mà 2 năm sau Lý Thị Toàn hồ hởi mang tấm bằng tốt nghiệp đỏ chói về nhà. Sau 1 năm công tác tốt tại xã Hồng Quang, tới năm 2009, Toàn được người dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã.

Theo bước chân của chị, Lý Thị Hạnh, cô con gái thứ 2 của ông Ngọc đã dùi mài kinh sử và thi đỗ vào Học viện Hành chính Quốc gia, theo học mãi tận Hà Nội. 2 cậu em trai cũng đang gắng sức theo nghiệp bút nghiên tại trường cấp 3 huyện. Tấm gương của chị em Toàn khiến nhiều gia đình bộ tộc Thủy ở thung lũng Thượng Minh bây giờ đã cho con em vượt qua các dãy núi thần linh để tìm kiếm tương lai cho bộ tộc mình

CSTC

Tham khảo thêm tư liệu : Dân Tộc Thủy

Thầy mo Mùng Văn Lủ đang nói “lời tiên tri” của hòn đá thiêng - Ảnh: Q.Việt

Trong bộ tộc 100 người ở Việt Nam

TT - Đó là bộ tộc chỉ còn hơn 100 người - được xem là ít nhất trong cộng đồng các dân tộc VN. Hiện họ đang sống trong vùng rừng sâu thuộc tỉnh Tuyên Quang. Đã có lúc bộ tộc này có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Từ thị xã Tuyên Quang, tôi tìm đường vượt núi về Chiêm Hóa, rồi vượt thêm gần 40km đường đèo dốc xuyên qua các cánh rừng vào thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang. Mấy lần suýt bị lạc lối nơi rừng sâu. Đến cuối ngày, khi mặt trời đã chìm sau đỉnh núi, những mái nhà tranh ẩn mình trong sương chiều hiện ra: bản người Thủy là đây. Chiều đại ngàn thâm u tĩnh mịch, nhưng người dân đi rừng vẫn chưa về. Đám con nít thấy khách lạ, đứng lấp ló sau bậu cửa. Ở ngôi nhà giữa bản, thầy mo Mùng Văn Lủ đang ngồi một mình hướng mặt về núi.

Quá khứ đau thương.
 
Theo ông Hà Văn Viễn, nguyên cán bộ nghiên cứu Ban dân tộc miền núi tỉnh Tuyên Quang - người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về dân tộc Thủy, người Thủy ở Trung Quốc là một dân tộc thiểu số sống rải rác ở Quảng Tây. Họ có mặt ở VN từ hàng trăm năm trước và được xem là cộng đồng thiểu số ít nhất trong đại gia đình các dân tộc VN. Trong biên khảo các dân tộc Trung Quốc của tác giả Y Quân, NXB Bắc Kinh năm 1958, dân tộc Thủy có truyền thống văn hóa rất lâu đời.

Trong ký ức của già bản người Thủy, nguồn cội xa xưa chỉ còn được truyền lưu qua lời kể của tổ tiên. Khoảng sáu, bảy đời trước, cha ông người Thủy ở Thượng Minh ngày nay sống ở Quý Châu, Trung Quốc. Ngày ấy giặc loạn lạc nổi lên triền miên đã khiến một số người Thủy quyết định ly hương. Hành trình lưu vong cực kỳ khắc nghiệt, cả bộ tộc hàng ngàn người đến được vùng rừng núi Hà Giang, VN chỉ còn khoảng 80 hộ với vài trăm người, số còn lại đã bỏ xác trên đường đi tìm đất sống.

Cụ Bàn Văn Kim, 74 tuổi, già nhất bản người Thủy ở Thượng Minh, ngồi rít điếu cày nhả khói như sương, kể lại lời của cha ông trong những ngày đầu đến VN: Do ngôn ngữ, tập tục khác hẳn các dân tộc địa phương ở Hà Giang nên nhóm người Thủy lúc bấy giờ sống co cụm biệt lập. Họ dựng vợ gả chồng quanh quẩn trong bản làng. Chính tình trạng hôn nhân cận huyết, đói kém và bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc đã làm người Thủy chết dần chết mòn. 80 hộ đến được Hà Giang chỉ còn 9-10 hộ rồi lưu lạc dần đến xã Hồng Quang (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) ngày nay.

Đêm dần xuống, che phủ bản làng bộ tộc Thủy vào bóng tối của núi rừng. Bên bếp củi lập lòe ẩn hiện mặt người, thầy mo Mùng Văn Lủ lấy ra hòn đá thiêng. Theo ông, bộ tộc Thủy luôn tin tuyệt đối các vị thần thánh, ma rừng, ma núi để sinh tồn và mọi chuyện đều được xin “lời tiên tri” của hòn đá thiêng. Hòn đá được các thầy mo có uy tín trong bản chọn từ đá núi cao hoặc dưới lòng sông suối, nơi chưa có dấu chân người để tránh bị ô uế, mất linh thiêng.

Lễ cầu đá thiêng mà tôi được chứng kiến là buổi thầy mo Lủ đang tìm lời “tiên tri” cho một vụ mùa mới của mình. Nhà ông có hơn 2.000m2 ruộng bên dòng suối, là nguồn cung cấp lương thực chính của gia đình sáu miệng ăn. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, thầy mo Lủ ngồi xổm quay đầu về núi phía mặt trời mọc. Ông đặt hai khuỷu tay trên hai đầu gối, còn hai bàn tay đan chặt vào nhau. Hòn đá thiêng được buộc vào một đầu sợi chỉ, đầu sợi chỉ kia treo trên ngón tay. Buổi lễ bắt đầu bằng lời lầm rầm khấn vái của thầy mo, lẫn lộn giữa ngôn ngữ Thủy cổ xưa được các đời cha ông truyền lưu lại và ngôn ngữ mới của thời đại thầy mo đang sống. Hòn đá thiêng treo dưới sợi chỉ đung đưa khi thầy mo đọc đến tên vị thần núi. Mọi người trở nên xôn xao vì tin thần linh đó đã hiển linh...

Ở Thượng Minh, ai cũng biết gia đình ông Lý Văn Triệu. Không phải vì ông có cô vợ trẻ Bàn Thị Tài là trưởng thôn, mà còn là người lưu giữ trong trí nhớ nhiều lịch sử buồn vui của bộ tộc mình. Chỉ tay lên những ngọn núi cao mù sương, ông Triệu tâm sự: “Nếu không có cuộc hạ sơn năm 1961, có lẽ bộ tộc Thủy lưu vong của chúng tôi đã không thoát khỏi nạn diệt vong”.

Thoát khỏi nguy cơ diệt vong, bộ tộc Thủy bắt đầu hồi sinh. Số trẻ sinh ra đã nhiều hơn số già lão chết đi. Các cuộc hôn nhân cận huyết cũng bị loại trừ để bảo tồn nòi giống. Hiện nay, bộ tộc người Thủy ở Thượng Minh đã có 18 mái nhà với hơn 100 người.

Vượt qua núi thần linh

Cô gái Lý Thị Tuyên, 23 tuổi, có dáng người khỏe mạnh với ánh mắt lúc nào cũng lấp lánh cười, chỉ cho tôi xem những dãy núi cao như bức tường thành bao bọc thung lũng. “Tổ tiên của tôi tin rằng thần linh ngự trị trên các đỉnh núi đó, nên ít khi người già dám vượt núi”. Chuyện bắt đầu từ con đường vào bản mới được làm cách đây vài năm, và Tuyên là người đầu tiên vượt qua con đường này đi tìm tương lai.

Ngày đầu tiên Tuyên rời bản đi học, mẹ Bàn Thị Kim và cha Lý Văn Triệu lo lắng lắm. Họ nhờ đến hòn đá thiêng kêu gọi thần linh phù hộ cho con mình vì không biết bên kia dãy núi có những gì. Tuyên về tận Hà Nội theo học trung cấp tin học. Sau hai năm học, cô tốt nghiệp, ở lại Hà Nội làm việc một năm. Vừa rồi, mẹ đã kêu cô về xin làm cán bộ thông tin cho xã. Rồi Lý Văn Toản, em trai Tuyên, thi đậu đại học xây dựng, cậu em út cũng đang học lớp 8 xa nhà.

Từ tấm gương của chị em Tuyên, nhiều gia đình bộ tộc Thủy ở thung lũng Thượng Minh bây giờ đã cho con em vượt núi bước ra thế giới bên ngoài. Theo trưởng thôn Bàn Thị Tài, bản đã có thêm hai hộ ông Lý Văn Ngọc và Lý Văn Va đang cho con theo học ngành an ninh ở Thái Nguyên và Hà Tây. Qua mùa thi năm nay, một số gia đình sẽ tiếp tục cho con em rời khỏi bản làng, với niềm tin vượt qua các dãy núi thần linh để tìm kiếm tương lai cho bộ tộc mình.

Cuộc sống giữa thung lũng Thượng Minh đã đỡ khắc nghiệt hơn trên núi cao, nhưng khó khăn vẫn chưa dứt đeo đẳng bản làng người Thủy. Ông Bàn Văn Kim vẫn còn ám ảnh mãi những chuyến đi bộ vượt rừng hơn 40km ra chợ Chiêm Hóa mua muối. Mỗi lần đi chợ, ông phải đi bộ một ngày đường tóe cả máu chân. Với nhiều gia đình, hạt gạo làm ra chỉ đủ đắp đổi bữa ăn qua ngày. Việc học hành của con cái trông cậy vào những gùi hái lượm của rừng.


QUỐC VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét