Dân tộc Chu Ru

Dân tộc Chu Ru
Tên dân tộc:
Chu Ru (Cho Ru, Ru).
Dân số:
Trên 10.000 người.
Địa bàn cư trú:
Phần lớn ở Đơn Dương (Lâm Đồng), số ít ở Bình Thuận.
Phong tục tập quán:
Thờ cúng tổ tiên và chỉ cúng ngoài nghĩa địa. Thờ nhiều thần liên quan đến các nghi lễ nông nghiệp. Sống định canh định cư. Một gia đình gồm 3-4 thế hệ. Hôn nhân một vợ, một chồng, con gái chủ động cưới, người chồng ở rể.

Ngôn ngữ:
Ngôn ngữ thuộc nhóm Mã Lai - đa đảo.

Văn hoá:
Làng gồm nhiều dòng họ hoặc khác tộc cư trú. Đứng đầu là trưởng làng (Pô plây), sau là thầy cúng. Có vốn dân ca , ca dao, tục ngữ phong phú.

Kinh tế:
Nghề làm ruộng lâu đời. Trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi. Nghề thủ công: đan lát, rèn và làm gốm. Nghề phụ: săn bắn, hái lượm.

Lễ hội truyền thống người Chu Ru
Người Chu Ru được xếp vào nhóm các dân tộc thuộc ngữ hệ Malayo – Polynesian (Mã Lai – Đa Đảo). So với người Kơho và người Mạ, người Chu Ru có số dân ít hơn cả (14.585 người). Họ sống tập trung ở một số xã thuộc huyện Đơn Dương và phía đông nam huyện Đức Trọng. Do chung sống lâu đời với người Kơho nên người Chu Ru cũng sử dụng được tiếng nói và chữ viết của người Kơho, nhưng lễ nghi, phong tục truyền thống của người Chu Ru có nét riêng biệt. Cư dân Chu Ru chuyên trồng lúa nước, lễ nghi nông nghiệp cũng theo chu kỳ cây lúa.
Lễ cúng đầu mùa (Mơ nhum ngã war): Vào đầu mùa mưa (tháng 3, tháng 4 âm lịch) khi chủ nhà đã chọn được ngày cày ruộng, tổ chức lễ cúng đầu mùa tại nhà mình, người cúng (Bơdâu) có thể là chủ nhà hoặc mời thầy cúng. Lời cúng cầu xin Yàng cho một mùa mưa thuận gió hoà. Lễ vật cúng gồm một choé rượu, một con gà (vịt), cơm và trái cây.
Lễ cúng gieo hạt (Mơ nhum pơleh drà): Trước ngày gieo hạt, chủ nhà đem lễ vật ra ruộng (lễ vật như cúng đầu mùa), chủ nhà xin Yàng cho lúa lên đều, xanh tốt, không bị côn trùng phá hoại.
Lễ rửa chân trâu (Mơ nhum rao tơkai kbào): Lễ này cũng như lễ rửa chân trâu của người Kơho Srê, nhưng lễ vật có khác: một chóe rượu, nải chuối chín, hai con gà, một đĩa xôi và đặc biệt phải có một con rùa. Lễ cúng được thực hiện vào lúc chiều tối (khi trâu đã về chuồng), cúng trước sân nhà, xin Yàng cho trâu béo khoẻ để chuẩn bị cho vụ tới.
Lễ mừng lúa trổ bông (Mơ nhum nơtơ jam bơdai): Khi lúa đã trổ đòng, gia chủ chuẩn bị một số trái cây có vị chua, rượu cần, gà (vịt),… cúng tại ruộng (hoặc tại nhà), thời gian hành lễ phải vào ngày trăng sáng.
Lễ cúng mừng lúa chín (Mơ nhum bok koh) tổ chức tại ruộng trước khi gặt lúa. Lễ vật gồm choé rượu, nải chuối chín, gà (vịt) hoặc heo, dê, ngựa,… lớn nhất là trâu.
Lễ cúng mừng lúa mới (Mơ nhum hơ ma): Khi lúa đã về kho, như người Kơho, Mạ, người Chu Ru tiến hành lễ hội ăn mừng lúa mới. Đây là lễ cúng lớn nhất của người Chu Ru theo nghi thức nông nghiệp, có ăn uống, nhảy múa, nghỉ ngơi 5 đến 7 ngày.
Ngoài nghi lễ nông nghiệp theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa, dân tộc Kơho, Mạ và Chu Ru còn có một số nghi lễ vòng đời khá độc đáo. Người Kơho, Mạ có những lễ nghi vòng đời giống nhau, một số chi tiết thể hiện cho từng nghi lễ có khác nhau một chút nhưng không đáng kể.
Nghi thức đặt tên cho con (Nhô sơnđan mat kon) được thực hiện trong nhà, khi đứa trẻ mới sinh ra đã được 5 hoặc 7 ngày. Lễ được tổ chức vào buổi sáng, khi mặt trời đã lan toả khắp vùng. Trình tự lễ được thực hiện nghiêm ngặt theo phong tục cổ truyền.
Nghi thức cà răng – căng tai là tục lệ bắt buộc của người Kơho, Mạ đối với nam, nữ đã đến tuổi 13 – 15, nếu ai không cà răng – căng tai thì không thể lấy vợ, lấy chồng. Nghi thức được tiến hành trong nhà, mời thầy cúng làm lễ và tiến hành cà răng – căng tai theo nghi thức cổ truyền. Nghi lễ đoàn kết cộng đồng (Măng nhô) là lễ hội có quy mô lớn nhất của người Kơho, Mạ; lễ được tổ chức theo chu kỳ 10 – 15 năm (có khi đến 20 – 30 năm, tuỳ theo điều kiện địa phương). Đây thực sự là ngày hội lớn của tất cả cộng đồng, được dân trong bon tự nguyện đóng góp vật chất và công sức để làm lễ, theo tộc họ đều phải đóng góp trâu, rượu, gạo, thịt rừng, cá suối, rau rừng. Đây là nghi lễ tạ ơn thần núi (Yàng Bnơm), đã giúp đỡ dân làng làm ăn phát triển, lễ chính được diễn ra 3 ngày, mọi người ăn uống, vui chơi đến 5, 7 ngày. Trong nghi lễ vòng đời, ngoài lễ đặt tên con (như người Kơho, Mạ), người Chu Ru có lễ bỏ mả (Bơthi kut). Đây là lễ thức quan trọng nhất để đánh dấu việc xoá bỏ những kiêng cữ trong gia đình, dòng tộc trong suốt thời gian chưa tiến hành làm lễ bỏ mả. Lễ được thực hiện tại một gia đình lớn hay một dòng tộc, lễ hội vui rộn ràng với chiêng, trống, khèn bầu,… Nghi lễ được diễn ra sau mùa thu hoạch của những gia đình, họ tộc đã chuẩn bị đủ các điều kiện (hoặc gặp được mùa màng bội thu), có mộ chôn chung đã có nhiều ma (nhiều người chết cùng chôn một mộ, theo thứ tự từ dưới lên trên), cũng có khi tới trên 20 ma, phải là các ma chết gần nhất là 3 năm. Nghi thức lễ bỏ mả được thực hiện theo nghi thức cổ truyền của người Chu Ru.
Ngoài lễ bỏ mả là lễ trọng, người Chu Ru còn có lễ hội đền được diễn ra hàng năm. Đây là lễ hội có tính cộng cảm cao ở cộng đồng dân cư, được mọi người dân Chu Ru trong vùng (nhiều tộc họ, nhiều buôn) hưởng ứng. Đền người Chu Ru thờ thần (nhân thần) người có công giúp đỡ dân làng, trong đó có lẽ quan trọng hơn cả là nghi lễ cúng thần đập nước (Yàng Bơmung) vào tháng 2 hàng năm. Đây thực sự là lễ hội làng rất phong phú và độc đáo, cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét