Việt Hùng

Phạm Quế Dương (HN)-Trần Mạnh Hảo(SG)-Việt Hùng (RFA): Hội luận về bản tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006                
2006.04.11
Việt Hùng, phóng viên đài RFA
 
Trong khi đảng Cộng sản Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị bước vào Ðại hội lần thứ X thì một bản Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006 ra đời. Nguyên do nào mà chỉ tính riêng trong ngày đầu tiên khi bản Tuyên ngôn này được tung ra đã có 118 người đồng ký tên.

Nhà văn Trần Mạnh Hảo.
Bản tuyên ngôn Tự do Dân chủ này đề cập đến những vấn đề gì, mời quí vị theo dõi cuộc Hội luận chính trị do Việt Hùng điều hợp với sự tham dự của ông Phạm Quế Dương, cựu Ðại tá Quân đội nhân dân Việt Nam cùng sự tham sự của nhà văn Trần Mạnh Hảo từ thành phố Hồ Chí Minh. Trước tiên từ Hà Nội ông Phạm Quế Dương cho biết ý kiến khi quyết định ký tên ủng hộ bản Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006, mời quí vị theo dõi:
Phạm QuếDương: Vấn đề dân chủ và nhân quyền nó là vấn đề bức xúc, đứng về phương diện nào, nhiều cán bộ lão thành, thậm chí có những vị rất là to, cái cương vị rất là lớn, ví dụ như bản thân ông Võ Văn Kiệt cũng phải viết và nói về vấn đề dân chủ, cho nên vấn đề dân chủ và vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam nó là vấn đề thời sự hiện nay, nó là vấn đề bức xúc hiện nay, nó là vấn đề trăn trở hiện nay, nó là điều mong ước hiện nay, xuất phát từ những cái điều đó, cho nên bản tuyên ngôn chúng tôi hết sức là ủng hộ cái bản tuyên ngôn đó, lý do cơ bản là như thế thôi.
Việt Hùng: Với ông Trần Mạnh Hảo từ Sài Gòn, ông có thể cho biết là cái nguyên do nào mà ông lại quyết định ông ký  vào trong cái bản này ạ?
Trần Mạnh Hảo: Tôi phải suy nghĩ rất kỹ để mà tôi mới ký tên vào cái bản tuyên ngôn dân chủ 2006. Đây là vấn đề sống còn của đất nước hiện nay, một nền kinh tế đa thành phần, tức là một nền kinh tế tư bản thì nó phải đi đôi với nền dân chủ đa nguyên đa đảng, không có nền dân chủ đa nguyên đa đảng, không có cái sự kiểm soát của các đảng phái khác cho nên mới có sự tham nhũng khủng khiếp như ở bộ giao thông vận tải hiện nay. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc mà đảng CSVN phải trả lại cái quốc hiệu dân chủ cho nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Lần đầu tiên đất nước chúng ta có một cuộc bầu cử đa nguyên đa đảng vào năm 1946 bầu cử lên chính phủ Hồ Chí Minh là chính phủ đa nguyên đa đảng. Thế nhưng đảng CS đã chiếm đoạt, đã xóa đi cái chữ dân chủ này. Hãy trả lại cho cuộc cách mạng tháng 8 cái tinh thần dân chủ, cái tinh thần độc lập, cái tinh thần dân chủ của cả một dân tộc. Đấy là chúng tôi đòi lại thôi và chính đảng CS cũng phải trả lại, cướp mất cái chữ dân chủ của tên nước, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thứ hai là cái chính phủ đó, cái quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một quốc hội đa đảng và cách mạng tháng 8 thành công, giành được chính quyền là công của nhiều đảng phái chứ không phải một mình đảng CSVN, mà trong cái tuyên ngôn độc lập của ông Hồ Chí Minh là ông ca ngợi hai cái nền đa nguyên đa đảng, hai cái nền dân chủ lớn của thế giới mà ông coi làm gương mẫu đó là cuộc cách mạng tư sản Pháp, và hai là cuộc giải phóng dân tộc và  thành lập nước Mỹ, đó là hai cái nền chính trị dân chủ đa nguyên mà ông ca ngợi hết lời, và ông coi đó là nguyên mẫu của nước Việt Nam mới.
Việt Hùng: Nhưng mà thưa ông Trần Mạnh Hảo, việc ông đề cập đến là cái bản hiến pháp năm 1946, nhưng mà bây giờ đang là ở thế kỷ 21 là năm 2006, các ông đang sống ở tại Việt Nam thì các ông có đồng ý là phải tôn trọng theo cái luật pháp và hiến pháp của Việt Nam hay không ạ?
Trần Mạnh Hảo: Tức là tôi thấy cái luật pháp và hiến pháp của Việt Nam hiện nay trái với tinh thần của hiến pháp nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1946 và trái với tất cả cái tinh thần dân chủ đa nguyên của hầu hết các nước trên thế giới và trái với tinh thần thời đại. Bây giờ nhìn trên thế giới này xem còn có chế độ nào độc đảng không? Đếm trên đầu ngón tay có mấy chế độ thôi, cho nên chúng tôi đòi là đòi cái chung, cái xu hướng thời đại là xu hướng chung của tất cả loài người.
Việt Hùng: Trở lại với ông Phạm Quế Dương, nếu mà căn cứ theo cái bản hiến pháp năm 1946, thông qua cái sự trình bày của ông Trần Mạnh Hảo, các ông đang đòi lại cái quyền đó, nhưng mà căn cứ vào năm 2006 hiện nay, trong cái bản hiến pháp của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã minh định cái điều 4 là quyền độc tôn lãnh đạo của đảng CS, mà bây giờ các ông lại ra một cái bản tuyên ngôn tự do dân chủ là đòi thành lập, đòi những cái quyền tự do thông tin, đòi quyền tự do lập hội, lập đảng rồi là bầu cử và ứng cử, như vậy thì phải chăng là các ông đi ngược lại với cái điều 4 của bản hiến pháp đã minh định?
Phạm Quế Dương: Thực ra mà nói, thì như vậy chứ chả phải là chúng tôi đâu mà đa số nhân dân Việt Nam, nếu mà bây giờ nhà lãnh đạo của nước Việt Nam dám tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để xem ý kiến của nhân dân như thế nào, như vậy tôi tin rằng đa số nhân dân người ta cũng sẽ nói như chúng tôi. Đấy mới là khát vọng của nhân dân Việt Nam. Tôi rất tán thành ý kiến của anh Trần Mạnh Hảo, bởi vì trước kia như vậy tức là ở Việt Nam là còn bên cạnh đảng CS khi đó còn mang tên là đảng Lao Động, còn có đảng Xã Hội, đảng Dân Chủ, ấy nó còn có các đảng như thế kia mà, nhưng đến bây giờ đảng CS độc tôn, độc tài, độc trị, độc quyền, vì thế do đó cho nên niềm tin của dân đối với đảng CS càng ngày càng giảm sút, mà cái này thì chính các nhà lãnh đạo của đảng CS đã tự xác nhận trong nhiều lần phát biểu như vậy rồi. Vì thế cho nên cái bản tuyên ngôn của 2006 đòi vấn đề dân chủ, vấn đề nhân quyền thì cũng là đòi lại cái quyền như là năm 1946.
Việt Hùng: Trở lại với ông Trần Mạnh Hảo,cái câu hỏi là nếu mà căn cứ theo cái hiến pháp hiện nay, cái điều 4 minh định chỉ cho phép cái sự độc tôn lãnh đạo của đảng CS, mà bây giờ các ông lại kêu gọi thành lập hội, thành lập đảng, thì tức là các ông đang đi ngược lại cái bản hiến pháp, như vậy các ông có quan ngại rằng là các ông đang quá lãng mạn cách mạng không ạ?
Trần Mạnh Hảo: Dạ thưa anh Việt Hùng, thì tôi thấy như thế này, cái điều 4 trong bản hiến pháp hiện nay là nó vi hiến, nó vi hiến vì sao? Cái quốc hội mà bỏ phiếu cho cái điều 4 đó là quốc hội của đảng CS chứ không phải quốc hội của nhân dân Việt Nam, đã bao giờ mà đảng CS trưng cầu dân ý đâu, còn cái quốc hội họ bầu ra đó là quốc hội của một đảng, vì đảng CS lãnh đạo quốc hội, khi mà đảng CS đã lãnh đạo quốc hội thì ngồi trên quốc hội, ngồi trên hiến pháp, thì làm gì có cái gọi là quốc hội của toàn dân được? Chúng tôi không chấp nhận cái quốc hội đó, cái quốc hội đó không thể nào gọi là quốc hội, cho nên cái điều 4 là cái điều áp đặt của đảng CSVN lên dân tộc Việt Nam là một sự áp đặt, một cái sự dùng súng để áp đặt thôi. Ông Lê Đăng Doanh cũng nói ý như chúng tôi rằng từ khi ổng lên đến bây giờ ông chưa từng hỏi dân, ông chưa từng trưng cầu dân ý, mà dân cũng chưa từng bầu các ông cộng sản lên lãnh đạo quốc gia cả, nhân dân chưa hề bầu đảng CS lãnh đạo quốc gia và chưa bầu ông tổng bí thư nào lên lãnh đạo quốc gia, tự các ông giành lấy chính quyền, các ông dùng súng các ông giành rồi nhảy lên lãnh đạo. Từ khi quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1946 lần đầu tiên có dân chủ, còn sau đó là hoàn toàn không có, dân chủ bị chiếm đoạt, bị xóa sổ, không có dân chủ nữa, chúng tôi là những người dân, chúng tôi chưa hề đồng ý vào cái quốc hội đó, chưa hề đồng ý cái điều 4 trong  hiến pháp.
Việt Hùng: Nhưng mà thưa ông Trần Mạnh Hảo rằng cái việc mà ông có đồng ý hay không đồng ý đó là cái quyền của ông, nhưng mà quyền của một công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là phải tôn trọng luật pháp, mà cái luật pháp và cái hiến pháp Việt Nam bây giờ là quy định cái điều 4 lãnh đạo của đảng CS.
Trần Mạnh Hảo: Tôi thấy cái điều đó là nó vi hiến, vì là cái điều đó nó không do dân làm ra, cái luật đó, cái quốc hội đó không phải là của dân, cái áp đặt đó là vô lý, nó không thực tế và nó không đúng với lương tri của con người. Mở miệng ra thì ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói là do dân, vì dân, của dân, chính quyền toàn lạm dụng của dân thôi, làm gì có dân ở đây?
Việt Hùng: Để trở lại với ông Phạm Quế Dương, thưa ông Phạm Quế Dương, bằng cái kinh nghiệm chính trường và cái kinh nghiệm bản thân ông, thì ôngnghĩ rằng là cái việc đưa ra lời kêu gọi tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam 2006 trong khi đi ngược lại với điều 4 của bản hiến pháp thì liệu rằng theo ông có quá lãng mạn khi đưa ra nói là thành lập đảng, thành lập hội là phải công khai, mà công khai ra bây giờ thì lập tức có thể, nếu mà dựa trên căn cứ theo luật pháp thì đảng CSVN có thể bắt bỏ tù hay là có những cái hành động đàn áp những cái đảng phái đó thì liệu rằng là cái lời kêu gọi này nó sẽ là như thế nào?
Phạm Quế Dương: Thật ra mà nói thì như vậy tức là anh em mà làm những cái việc này không phải là không có cái lo lắng đâu, bởi vì như vậy tức là cũng có thể là họ trấn áp, ví dụ như là bản thân Phạm Hồng Sơn vì phiên dịch một cái tài liệu trên trang web của đại sứ quán Mỹ “Thế Nào Là Dân Chủ?” mà còn bị bắt bỏ tù bây giờ vẫn chưa được tha. Do đó cho nên cái bản tuyên ngôn như thế này thì bị trấn áp là cái chuyện rất có thể đảng CS nó sẽ phải trấn áp. Thế nhưng mà trong  cái tình hình mà đây là nó cái phản ảnh cái nguyện vọng của nhân dân, cái lòng mong muốn của nhân dân, cái khát vọng của nhân dân, do đó cho nên rằng là mọi người như vậy tức là nên bảo nhau là  nên ra một cái ủng hộ về cái việc đó. Tôi tin rằng là về cái luật phát triển của đất nước thì dứt khoát nó phải đi theo cái quy luật của cùng như loài người. Do đó cho nên là cái tuyên ngôn đó thì là nó cũng không có cái gì gọi là vi phạm vào luật pháp và không có cái gì gọi là vi phạm hiến pháp cả, mà nó chỉ là phản ảnh cái nguyện vọng của nhân dân và mong muốn của nhân dân mà thôi.
Việt Hùng: Về phía ông Hảo thì ông nghĩ như thế nào trong khi thì  hiện nay ở tại Việt Nam đâu có một cái đảng phái nào hoạt động một cách chính thức đâu mà bây giờ kêu gọi ra công khai ?
Trần Mạnh Hảo: Vâng, thì đã đến lúc những người yêu mến dân chủ và cái tinh thần dân chủ là tinh thần của cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945. Trong cách mạng tháng 8 thì tôi xin nói rằng, cụ Hồ Chí Minh đã nhiều lần công bố cụ chỉ là người quốc gia, cụ không phải là người CS, và hỏi về đảng CS Đông Dương thì cụ bảo giải tán rồi mà trở thành nhóm gọi là nhóm những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Nếu mà trong cách mạng tháng 8, ông Hồ và ĐCSVN  đưa cái khái niệm xạ hội chủ nghĩa với độc đảng vào tuyên ngôn, vào đường lối, thì xin thưa là họ sẽ không thể làm gì được, không ai ủng hộ họ; và những người CS hay là ngay cả chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sẽ bị dân loại ra khỏi lá phiếu.
Việt Hùng: Nhưng mà cái câu hỏi chúng tôi vẫn đặt ra đó là tại sao bây giờ nước Việt Nam đã có cái bản hiến pháp năm 1992 rồi mà tại sao các ông cứ nói đến cái bản hiến pháp của năm 1946 mà các ông đang sống ở Việt Nam mà các ông không căn cứ theo cái bản hiến pháp hiện hành hiện nay ?
Trần Mạnh Hảo: Dạ thưa như thế này này, như thế cũng do cái đảng CS liên tục dạy chúng tôi, nghĩa là ngày nào cũng dạy chúng tôi khẩu hiệu đó thôi, “sống và lao động làm việc theo gương bác Hồ vĩ đại” và theo lời dạy của bác Hồ thì cái chính quyền năm 1946, chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch, cái vấn đề dân chủ, cái vấn đề đa nguyên là bắt đầu từ đó, là bắt đầu từ cái bản tuyên ngôn độc lập của ông Hồ Chí Minh ở quảng trường Ba Đình ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 là ông tuyên thệ trước thế giới độc lập của nước Việt Nam gắn liền với hình thức của cả hai cái nền chính trị mà ông ca ngợi ông coi là làm gương, đó là cuộc cách mạng tư sản Pháp, cuộc cách mạng tư sản Pháp là cuộc cách mạnh dân chủ và là cuộc cách mạnh giải phóng con người tự do và dân chủ và đa nguyên, mà ông Hồ ca ngợi cái nền chính trị của nước Mỹ là cái nền chính trị đại nghị, và là một cái nền chính trị đa nguyên đa đảng. Cũng chính là tuyên ngôn độc lập của ông Hồ khẳng định dân chủ đồng nghĩa với đa nguyên đa đảng. Đó là tinh thần, tôi không nói ông Hồ Chí Minh có tư tưởng, nhưng mà cái ý tưởng của ông Hồ Chí Minh quan trọng nhất là ở cái bản tuyên ngôn độc lập, cái bản tuyên ngôn độc lập mà ông cộng sản bây giờ vẫn dạy cho học trò đó là cái tinh thần của bản tuyên ngôn độc lập là gì, là dân chủ gắn với chế độ đại nghị đa nguyên, đa đảng. Đảng CS dạy chúng tôi là hãy sống và làm việc theo lời Hồ Chí Minh thì chúng tôi thực hiện cái khẩu hiệu đó chứ có cái gì mà đàn áp chúng tôi ?
Việt Hùng: Tuyên ngôn tự do, dân chủ cho Việt Nam 2006 theo ông Phạm Quế Dương thì bản tuyên ngôn này không vi phạm luật pháp và hiến pháp Việt Nam, trong khi theo ông Trần Mạnh Hảo thì những người đứng ký tên này chỉ đòi lại quyền tự do dân chủ đã minh định ngay từ bản hiến pháp năm 1946. Nguyên do nào mà những người chủ trương lại quyết định tung bản tuyên ngôn tự do dân chủ này vào thời điểm trước khi đại hội 10 đảng CSVN khai diễn. Liệu đây có phải chỉ là ý kiến của 118 người ký sơ khởi hay là trăn trở của nhiều tầng lớp trong xã hội. Mời quý vị tiếp tục theo dõi phần hai cuộc hội luận chính trị trong một buổi phát thanh tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét