Trước tình hình phong trào đấu tranh cho một VN dân chủ
không CS ngày một lớn mạnh và nhất là trong những ngày qua khi nhà cầm quyền
ráo riết tăng cường bắt bớ các cây bút nổi tiếng, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều bạn
đọc có cùng trăn trở như tôi, đó là làm sao có thể nâng cao khả năng tự bảo vệ
của các tác giả tránh sa vào tay của an ninh, công an mạng.
Một mặt chúng ta hết sức trân trọng nghiêng mình trước những
nhà đấu tranh hoạt động công khai trong và ngoài nước, họ bằng những con đường
khác nhau đã vượt qua được nỗi sợ hãi và đang đương đầu trực diện với kẻ thù với
biết bao hiểm nguy mất mát cho cá nhân và người thân. Thú thật điều đó nhiều
người trong chúng ta không hoặc chưa làm được.
Nhưng trong số những người chưa bước ra, nói theo cách
nói của Nguyễn Ngọc Già, chúng ta mang ơn các tác giả, những ngòi bút sắc sảo,
can đảm đã cống hiến cho bạn đọc như tôi những bài viết vô cùng giá trị, có sức
công phá kinh hoàng vào thành trì dối trá của chế độ CS mà một sớm một chiều
cũng sẽ phải bị diệt vong. Họ là những viên ngọc quý của đất nước của dân tộc.
Chúng ta không thể ngồi chứng kiến từng người rơi rụng dưới các thủ đoạn đê hèn
của một chế độ bất nhân tính. Đất nước VN, quê hương VN đang rất cần họ trong sứ
mệnh chuyên chở sự thật đến cho người dân mình.
Từ lâu tôi mong muốn làm sao DLB và các trang mạng được
yêu mến khác quy tụ được những người tài giỏi về tin học và có tấm lòng thiết
tha với vận mệnh đất nước, để họ chung tay giúp cho các tác giả phương tiện để
các tác giả tự bảo vệ được mình tránh rơi vào tay những kẻ cầm quyền thiếu lý lẽ
nhưng thừa sự tàn bạo hiện nay. Nhưng đó chỉ là những ấp ủ không nói ra vì bản
thân tôi không hiểu biết nhiều về bảo mật internet và tôi nghĩ thế nào cũng sẽ
có người trong lãnh vực này lên tiếng.
Nhân tâm sự của tác giả Nguyễn Ngọc Già trước khi bị bắt
(nếu tin đăng tải là đúng):
“Tôi vốn không rành internet. Ngoài viết và gởi trực tiếp đến các
trang báo và blog, tôi không có thời gian để học hỏi lãnh vực này.
Gần 6 năm qua, có những độc giả đặt câu hỏi, tại sao "tôi
chưa bị bắt". Đó là câu hỏi chính đáng, bởi vì tôi ở trong nước”
Rất đau xót.
Thì tôi thấy thôi thúc phải xin DLB mở một bàn luận riêng
về vấn đề này. Rõ ràng chúng ta không thể đòi hỏi những nhà văn, những nhà báo,
những nhà phê bình... phải biết nhiều về bảo mật, họ biết cách chuẩn bị bài viết
và gởi đến được quý báo mạng đã là đáng khen rồi. Tôi nghĩ Nguyễn Ngọc Già cũng
là người hết sức cẩn tắc nhưng rất tiếc có lẽ dưới con mắt của những kẻ giỏi về
tin học đang bán mình cho quỷ dữ thì quá dễ dàng để họ tìm ra tung tích tác giả.
Là người thực sự không có kiến thức sâu, nhưng tôi cũng
xin mạn phép nêu ra một số biện pháp mà các bạn bè tôi sử dụng để từ đó tha thiết
kính xin các anh em trong nghề cùng phân tích và cho những lời khuyên để chúng
ta đừng bị hy sinh mất mát nhiều nữa.
1/ Không bao giờ upload/post bài, gởi bài sử dụng
internet tại nhà riêng, tại nhà người thân cũng như tại cơ quan làm việc của
mình.
2/ Chỉ sử dụng wifi tại các nơi công cộng đông người truy
cập như tiệm NET, quán ăn, cafe, trung tâm mua sắm, trường học, cơ quan chính
phủ...
3/ Không nên sử dụng một địa điểm thường xuyên mà phải
thay đổi nhiều địa điểm khác nhau.
4/ Không nên kết nối internet trong thời gian lâu ở những
nơi công cộng đó. Và lưu ý tránh camera ở những nơi có lắp đặt camera.
5/ Vậy nên cần chuẩn bị bài trước ở máy tính nhà, máy
tính xách tay, hoặc các thiết bị khác rồi lưu vào thẻ nhớ USB để mang đi.
6/ Sau khi chắc chắn bài vở đã được gởi đi, nên
xóa/delete khỏi computer và cả USB. Nhớ là phải xóa vĩnh viễn.
7/ Cần thiết phải tạo riêng ít nhất 1 tài khoản/account
email, nên là Gmail/Google account, cho những công việc này. Lưu ý là ngay cả
khi tạo tài khoản cũng không tạo tại nhà hay tại nơi làm việc và không bao giờ
truy cập tài khoản này tại nhà hay từ nơi làm việc cũng như không bao giờ sử dụng
địa chỉ email này cho các quan hệ bạn bè thông thường. Khi mở tài khoản này lưu
ý không được khai báo các chi tiết có thể tiết lộ một phần nhân thân của mình,
ví dụ không khai báo ngày sinh tháng đẻ, trường học, không khái báo số điện thoại
di động, không khai báo địa chỉ email thông thường như là phương tiện phục hồi...
8/ Rất nhiều công việc liên quan đến tài khoản email này.
Tại các địa điểm internet có thể cần phải truy cập vào tài khoản Google này ví
dụ để lấy thông tin hay hình ảnh. Lưu ý khi đang truy cập vào tài khoản này thì
không nên online đồng thời các tài khoản khác là những tài khoản mà mình dùng
trong giao tiếp hằng ngày (email, facebook, skype...). nhớ phải thoát/log out
trước khi hết sử dụng.
9/ Nếu các tác giả sử dụng điện thoại di động hay các thiết
bị cầm tay khác để gởi bài? Phải cẩn thận vì rất nhiều thông tin cá nhân của bạn
đi kèm với chiếc điện thoại đang sử dụng. Tôi mù mờ về việc này nhưng chỉ biết
rằng rất dễ lộ diện nếu sử dụng điện thoại di động của mình.
Nếu được nên sắm 1 điện thoại/thiết bị riêng chỉ để truy
cập internet cho những công việc quan trọng này thôi, không lưu bất kỳ thông
tin cá nhân nào trong đó, không dùng để gắn thẻ SIM điện thoại mình đang sử dụng
hằng ngày, cũng không dùng để truy cập các tài khoản sử dụng hằng ngày thông
thường của mình. Dĩ nhiên khi mua thiết bị này cũng không được khai báo thông
tin cá nhân cho cửa hàng. Xin các chuyên gia góp ý thêm.
10/ Chúng tôi thường truy cập Internet sử dụng 1 địa chỉ
IP ở nước ngoài, độ an toàn sẽ cao hơn.
Chúng ta biết 1 Nguyễn Ngọc Già, 1 Nguyễn Quang Lập...
này bị bắt thì sẽ có hàng chục NNG khác, NQL khác nổi lên. Họ càng tàn bạo phi
lý thì lòng dân càng oán hận và các chiến sĩ thông tin xung trận ngày càng nhiều.
Tuy nhiên các tác giả càng bảo trọng bao nhiêu thì mất mát hy sinh càng ít và
ngày cáo chung của CS càng đến gần.
Tôi biết sẽ có những ý kiến khác nhau cho rằng: Những biện
pháp ấu trĩ này mà cũng nêu lên; Đúng là thiếu kiến thức, những biện pháp này
đâu ăn thua gì; Dè dặt quá như vậy thì còn đấu tranh gì được nữa; Hoặc Đúng là
vẽ đường hưu chạy chỉ tổ cho bọn CAM siết chặt thêm... và...
Xin sẵn sàng đón nhận tất cả các ý kiến, nhưng mong muốn
lớn nhất là có được nhiều ý kiến cụ thể của các nhà chuyên môn trong lãnh vực bảo
mật internet để đừng phải nghe nhiều những tin đau lòng như thời gian vừa qua nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét