“...Người cộng sản có thể không tài giỏi, nhưng họ làm được một
chuyện rất thông minh là xây dựng được… một tổ chức. Người đấu tranh có thể rất
thông minh, nhưng chỉ dùng sự thông minh cá nhân mình thì không thể nào chống
chọi hay đối đầu với những khối óc và bàn tay của một tổ chức…”
Triết gia Howard Bloom đã viết rằng, khi nuôi một đứa trẻ ở một
nơi bị cách ly với thế giới bên ngoài từ khi mới sanh ra đến khi qua đời, thì
nó sẽ không biết nói, không biết mơ mộng... và chỉ là một động vật què quặt từ
thể xác đến tâm thần. Nhưng nếu để 50 đứa trẻ sống chung với nhau thì phát sinh
một hiện tượng: văn hóa.
Văn hóa trong bài này muốn nói là một hệ thống tư tưởng hướng dẫn
cách ứng xử giữa các cá nhân sống với nhau trong một tổ chức. Tổ chức có thể là
một công ty, một bang hội, một đảng phái hay cả một quốc gia.
Nhờ văn hóa Khổng Nho, các triều đại Trung Hoa đã tìm được một hệ
thống tư tưởng uốn nắn dân đen yên phận làm nô lệ.
Nhờ văn hóa dân chủ, các nước Tây Phương tìm ra cách thức để mỗi
cá nhân phát huy hết khả năng của mình và đưa đất nước đi lên.
Những bậc trí thức Việt yêu nước thời xưa không có khái niệm về
dân chủ. Nguyễn Trãi có công trạng đánh quân Minh. Ngoài việc này ra, ông không
có hành động gì làm cho dân chúng được sống bình đẳng hơn. Nguyễn Tường Tộ dâng
huyết thư mong triều đình canh tân đất nước. Ông viết cho ai đó mà không viết
cho dân chúng. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... đốc thúc thanh niên theo phong
trào Đông Du, tìm cách ra nước ngoài học những khoa học tân tiến để đem về nước
áp dụng. Các ông không hiểu rằng nếu chỉ sao chép những thành quả kỹ thuật thì
vẫn không thể đánh đuổi thực dân Pháp và đem đất nước thoát khỏi ách độc tài được.
Chìa khóa của sự hùng mạnh của các quốc gia phương Tây nằm trong mối quan hệ giữa
con người với nhau. Con người làm ra khoa học nhưng khoa học không thể làm ra
con người. Lịch sử đã chứng minh bằng quốc nạn cộng sản.
Rất vô tình, phong trào cộng sản đã nêu ra danh từ dân chủ. Công
lao của những người đấu tranh bằng ngòi viết là giải thích danh từ này cặn kẻ
và sâu rộng hơn. Họ đã bình dân hóa và phổ biến lý thuyết về dân chủ đến mọi
thành phần trong xã hội. Ý tưởng dân chủ đã phát triển và lớn lên từng ngày.
Người Việt biết họ muốn gì ở chính quyền kế tiếp trước khi chế độ cộng sản sụp
đổ.
Muốn đấu tranh có hiệu quả, người đấu tranh cho dân chủ phải đi đến
tận cùng hoài bão của mình, nghĩa là phải tham gia vào chính trị.
Yêu nước là một đức tính quý. Không phải ai cũng có đức tính này.
Nhưng yêu nước mà không tham gia vào chính trị, dù chỉ bằng những hành động nhỏ
nhoi, thì cũng giống người không yêu nước. Yêu nước rồi thở dài.
Nhân tài là của cải của quốc gia. Phải sống xứng đáng với những gì
mình đang có và mong muốn chúng đem lại lợi ích cho quốc gia dân tộc. Nếu không
tham gia vào chính trị để góp phần phấn đấu cho xã hội đi lên, cứ mãi lẽo đẽo
trong giai trò chuyên gia, cố vấn rồi cố gắng thuyết phục những kẻ không cùng lợi
ích với mình, thì nhân tài kiểu van xin này sẽ không mang lại lợi ích gì cho đất
nước hơn những công dân bình thường, nghĩa là sáng say chiều xỉn.
Đảng Cộng sản Việt Nam quả là có may mắn. Từ trước đến nay trong
xã hội Việt Nam, "nghề" làm chính trị chưa bao giờ được tôn vinh.
Trong tiềm thức của quần chúng, làm chính trị đồng nghĩa với lường gạt và tù tội.
Có học giả còn bàn ra với những từ ngữ "khuyên đừng",
"nếu có"… : Tôi
khuyên con cháu đừng làm chính trị. Nếu có làm chính trị thì luôn luôn đứng về
phía nhân dân.
Cây cổ thụ trong giới học giả, Nguyễn Hiến Lê, cũng xem làm chính
trị như một nghề hạ tiện. Tránh được thì nên tránh. Tiếc thay, ông không phải
là người duy nhất suy nghĩ như vậy. Ông chỉ nói lên những suy nghĩ của một kẽ
sĩ thời phong kiến, hay các nhà khoa bảng khác mà thôi. Do đó giới trí thức
thích nghiên cứu những vấn đề cao siêu như văn học, lịch sử, kinh dịch, tử
vi... nhưng ít ai dám đụng chạm đến một vấn đề mà họ cho là thối tha, dù rất cần
thiết cho đất nước là chính trị. Chính vì vậy mà sách vỡ về chính trị tiếng Việt
rất nghèo nàn. Nếu không do dịch thuật thì do những tác giả viết với ác cảm
chính trị. Hậu quả là người không biết cộng sản thì bị chiêu dụ dễ dàng. Người
biết thì lại không đủ vốn liếng chính trị để bài bác nó một cách hiệu quả.
Lịch sử Việt Nam sẽ rất khác nếu ông cha ta nói : Tôi khuyên con cháu nên làm chính
trị. Nếu không thì cũng nên tìm hiểu về chính trị.
Các chế độ cộng sản rất sợ những người làm chính trị. Riêng tại Việt
Nam, nếu chỉ kể về tội "ác ôn" của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, những
người làm chính trị được phe cộng sản đặc biệt chiếu cố nhất là "nhất chính,
nhì phi, tam ri, tứ pháo". Theo cộng sản, người làm chính trị còn tàn ác
hơn cả phi công dội bom, lính tác chiến và lính pháo binh. Để đánh bại cộng sản,
một người nào đó đã để lại một câu nói rất hay: Hãy làm những gì cộng sản sợ. Vậy
thì hãy làm chính trị !
Mà làm chính trị, nhất là chính trị gia trong một quốc gia dân chủ
khó hay dễ ?
Xin viết chút về "hiện tượng chính trị" trong một nước
dân chủ như Pháp chẳng hạn : Thủ tướng Valls. Ông Manuel Carlos Valls Galfetti,
sinh ngày 13/08/1962 tại Tây Ban Nha, đã đi từng bước vào chốn quan trường, từ
thư ký, cố vấn, phát ngôn viên, thị trưởng, bộ trưởng bộ nội vụ, rồi đến thủ tướng.
Rất có thể đảng Xã hội (Parti socialiste - PS) sẽ lựa chọn ông Manuel Valls là ứng
cử viên tổng thống vào năm 2017 và biết đâu ông sẽ nắm vận mạng của nước Pháp.
Dù là thủ tướng Pháp, ông Manuel Valls lại là người Tây Ban Nha
chính cống. Ông nhập quốc tịch Pháp năm 20 tuổi, chủ yếu là được tham gia vào
chính trị.
Với bằng cử nhân về lịch sử, kiến thức và vốn liếng chính trị của Valls
không phải do học vấn. Mà được là nhờ tham gia vào những tổ chức chính trị sinh
viên từ 17 tuổi. Một kiểu người hành động tự tạo, self-made man.
Chúng ta có thể rút ra kết luận : Đường vào chính trị tự nhiên nhất
là gia nhập vào một tổ chức chính trị với vai trò thành viên. Nếu không thì sáng lập ra một
đảng phái với vai trò lãnh tụ.
Một lần nữa, chế độ cộng sản Việt Nam gặp thêm một may mắn khác :
ai cũng sợ tham gia vào một tổ chức chính trị. Lối tu nhân tích đức của người
quân tử An Nam là : "quân tử căng nhi bất tranh, quần nhi bất đảng"
(người quân tử tự trọng mà không tranh chấp với người, tụ hợp mà không kết bè
cánh). Làm chính trị là giải quyết những xung đột trong xã hội, dù phải
tranh chấp với những cá nhân hay đảng phái khác. Vậy thì người quân tử kiểu Việt-lai-Tàu
không thể làm chính trị. Lại càng không thể gia nhập vào một tổ chức hay đảng
phái.
Gia nhập vào một tổ chức chính trị được gì và mất gì ?
Xin thưa, người muốn hành động để thay đổi xã hội cho tốt đẹp hơn,
lấy đấu tranh làm lẽ sống sẽ mất hai thứ quan trọng nhất của một kiếp người :
thời gian và tiền bạc.
Mất tiền bạc vì phải đóng tiền liễm cho tổ chức. Sau đó phải hỗ trợ
người này, ủng hộ kẻ khác. Người giàu thì không được giàu thêm. Kẻ nghèo lại
càng thêm chật vật.
Kế tiếp là mất thời gian vì phải dùng thì giờ cá nhân và gia đình
cho những công việc cần thiết của một đảng phái. Mất thời gian lôi theo nhiều
cái mất mát khác. Nào là mất tình cảm gia đình, họ hàng, mối quan hệ làm ăn...
Nào là mất đi những thú tiêu khiển của đời sống bình thường như xem tv, câu cá,
tập thể thao...
Gia nhập vào một tổ chức chính trị tại Việt Nam còn có thêm nguy
cơ mất tự do vì có thể bị giam cầm bất cứ lúc nào và ở cứ nơi đâu. Khi bị bắt
giam thì có khi bị mất mạng hay mắc bệnh tật.
Đối với một quần chúng bình thường, nhìn theo khía cạnh thực tế,
ai làm chính trị là những người không thông minh lắm. Thậm chí còn ngu vượt bậc
vì không biết hưởng thụ.
Không biết những người ngu khác được gì ?
Còn ngu như tôi thì lại được nhiều thứ. Tôi đã đấu tranh bằng ngòi
viết dưới bút hiệu Dân Đọc Báo, trong blog Dân Làm Báo. Từng được vỗ tay và
cũng từng bị ném đá. Viết là sáng tạo. Làm chính trị cũng là sáng tạo (Faire la
politique c'est d'inventer).
Khó khăn của một người sáng tác độc lập là họ chỉ có cái nhìn của bản
thân. Nên đôi khi trật đường rày. Khi hay thì có thể hay, nhưng khi ngu thì
cũng ngu cùng cực. Dần dần tôi bị "nhát đòn", mỗi câu viết đều đắn đo
đến cả giờ. Mỗi bài viết phải tốn đến 5, 7 tháng. Khi tôi gia nhập vào một tổ
chức chính trị có cơ quan truyền thông, những gì tôi viết được người khác đọc
trước, phản biện bằng cái nhìn khác, sữa lỗi chính tả và biên tập lại. Nhờ vậy
mà tôi viết đều đều, mỗi tháng viết được một, hai bài. Năng suất tăng lên gấp
11, 12 lần.
Manuel Valls gặp gỡ vợ chồng Nguyễn Gia Kiểng (Ảnh chụp trước khi ông Valls lên làm Thủ tướng nước Pháp)
Hơn thế nữa, tôi được tiếp cận những nguồn thông tin không loan tải
trên báo chí. Dù không theo dõi chính trị Pháp, nhưng qua thông tin nội bộ,
tôi đã biết ông Valls sẽ lên cao từ rất lâu. Nên chuyện ông Valls làm thủ tướng
không làm tôi ngạc nhiên. Lợi thế của người đấu tranh trong một tổ chức là có
nhiều thông tin mà những người đấu tranh lẻ loi không thể biết. Người của phe địch
"vượt biên" qua phe ta. Kẻ mang danh nghĩa phe ta nhưng lại làm nội
gián cho phe địch. Nhờ trao đổi và phán đoán của bản thân, tôi biết phân biệt
vàng thau giữa đám người đang đấu tranh. Biết ai là người đấu tranh có đầu óc
và kẻ đấu tranh kiểu lãng mạn cá nhân.
Nhưng đó chỉ là một chút phần nổi của tảng băng. Gia nhập vào một
tổ chức là tự cho mình chìa khóa để tiếp nhận được trí nhớ, kinh nghiệm và sự
thông minh của những thành viên khác.
Tổ chức là một lò đào tạo. Một người hoạt động lâu dài trong tổ chức
có sự phán đoán và kiến thức chính xác hơn một người có học vị cao mà
không sinh hoạt tổ chức (trích Dẫn nhập văn hóa tổ chức,
chương VI, trang 20, tài liệu chỉ lưu hành trong nội bộ).
Tổ chức tạo ra lãnh đạo
Cũng theo triết gia Howard Bloom, khi đám trẻ em sống chung
với nhau, ngoài văn hóa ra, còn có thêm một hiện tượng lý thú khác. Trong quần
thể trẻ em đó, sẽ xuất hiện một hay vài kẻ cầm đầu, leader. Sự xuất hiện của những
lãnh đạo trong đám đông này diển ra rất tự nhiên. Đến nổi mà nhiều vị leader
"có sẳn" này cũng không biết họ có thể làm… leader. Bởi vì khi
hoạt động trong một tổ chức, những người bình thường bổng nhiên khám phá ra rằng
họ có những khả năng mà trước đó, họ không có điều kiện để phát huy. Chính quyền
cộng sản khôn ngoan hơn nhiều người tưởng. Luật cấm tụ tập quá 5 người có lý do
thâm độc : triệt bỏ môi trường tạo cho con người thông minh và can đảm
hơn. Vì người thông minh sẽ khó trị.
Nhiều người yêu nước kiểu mộng mơ ước ao rằng Việt Nam sẽ có một
minh quân, hay một đội ngũ trí thức chính trị tài trí vẹn toàn nào đó giúp dân
Việt đánh bại phe cộng sản và nắm chính quyền thay đổi số phận đất nước. Thực
ra, những người này không phải từ trên trời rơi xuống mà sẽ từ trong các tổ chức
chui ra. Tổ chức tạo ra nhân tài. Kinh nghiệm cũng cho thấy tổ chức tạo điều kiện
cho phép những cá nhân dám có những ý kiến và hành động mạnh dạn hơn mà khi đơn
độc họ lại không có.
Lấy thực tế chứng minh, chúng ta có thể nhắc đến Trần Thị Ngọc
Anh, một dân oan không biết đọc và viết rành rẽ. Thời thế đẩy đưa lại trở thành
một biểu tượng, tiếng nói nặng kí-lô hơn trong số những người đồng cảnh ngộ
khác. Thời thế tạo anh hùng. Và những anh hùng- hoàn cảnh này lại có những hành
động của người anh hùng-thực sự khi va chạm với nghịch cảnh. Giống như Trần Thị
Ngọc Anh, Cấm Thị Thêu cũng đã từ chối tiền bạc của cải để tiếp tục đấu tranh
cho dân oan.
Tổ chức chính trị và thành viên : tìm nhau trong hành
trình gian nan
Những người đấu tranh gặp nhiều gian nan trên con đường đi tìm một
tổ chức đúng theo ý mình. Chuyện luật sư Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung… bị tướng
tình báo công an Nguyễn Sĩ Bình dụ dỗ rồi gài bẫy để bắt bỏ tù chỉ là một trong
nhiều thất bại đau lòng của phe đấu tranh.
Chính quyền cộng sản đã ngăn chặn những nhu cầu tụ hợp của những
người đấu tranh để trở thành một quần thể. Đóng chốt ở nhà những người đấu
tranh không cho ra vào, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tưởng chừng như một chuyện
bá láp nhưng mà thật ra rất có tính toán. Không thể tập hợp thành những tổ chức
thì phe đấu tranh chỉ loay hoai trong hình thức chiến đấu cá nhân. Đã là cá
nhân thỉ không thể đánh bại được guồng máy tổ chức-cộng sản được.
Nhưng phải công nhận rằng, phần lớn là vụ rã đám là chính những
người trong nội bộ. Văn hóa Việt Nam không đủ ngôn ngữ để thuyết phục những người
đấu tranh xích lại gần nhau.
Câu nói : Không
gia nhập và lệ thuộc vào một phe phái chính trị nào ! vẫn còn
là lời phát biểu đầy tự hào của tuyệt đại đa số quần chúng yêu nước trong và
ngoài nước.
Các tổ chức chính trị Việt Nam tìm thành viên rất gian nan. Ông
Nguyễn Gia Kiểng, người hoạt động lâu năm cho rằng những người làm chính trị là
những người không bình thường. Câu nói vừa khiêm tốn vừa chua chát. Nhiều người
bị bắt vào tù, dù rất kiên cường với cộng sản, vẫn không dám tự cho mình có
hành động gì dính líu đến chính trị. Chính quyền cộng sản đàn áp thẳng tay những
người làm chính trị vì cho rằng chỉ có tầng lớp chính trị mới đủ khả năng đánh
đổ họ.
Đáng buồn thay, tín ngưỡng dân gian cũng dị ứng với những gì dính
dáng đến chính trị. Chế đô cộng sản Việt Nam tồn tại đến ngày nay không phải vì
khôn ngoan hay nham hiểm hơn các chế độ đảng cộng sản khác đã sụp đổ trước đó.
Tất cả chỉ vì văn hóa Việt Nam không khơi nguồn cho những mầm móng nhân tài vứt
bỏ "cái còng tâm lý" dấn thân vào chính trị. Rồi liên kết thành lực
lượng đấu tranh đủ số lượng để đương đầu với cộng sản.
Trong bối cảnh đó, chúng ta phải nhìn nhận những người dám làm
chính trị, dù họ không nói ra, vẫn là những người phi thường. Phi thường vì có
nhận thức vượt qua thành kiến của văn hóa phục dịch của nền văn hóa Khổng Mạnh
để lại trong sinh hoạt của người Việt Nam
Ngoài lý tưởng chiến đấu cho tự do dân chủ, những con người phi
thường này còn phải âm thầm chiến đấu với những sinh hoạt hàng ngày như công ăn
việc làm, bổn phận gia đình… Những người là cột trụ của gia đình phải hòa hợp
được tất cả việc công lẫn việc tư, làm hai ba chuyện cùng một lúc, do đó phải tổn
phí rất nhiều thời gian. Phải tính từ 12 tiếng đồng hồ trở lên cho mỗi ngày, kể
cả ngày cuối tuần và ngày nghỉ.
Xin hiểu rằng chuyện làm việc hơn 12 tiếng đồng hồ trở lên là một
chuyện rất sức bình thường trong giới kinh doanh và giới chính trị gia của các
nước dân chủ. Cuộc họp của Obama- Angela Merkel - Thủ tướng Ukraine dài lê thê.
Đám tùy tùng ngủ đứng ngủ ngồi. Chỉ biết giờ bắt đầu. Không biết khi nào chấm dứt.
Không đam mê công việc thì ít ai chịu đựng được cường độ làm việc như thế mãi.
Người Việt nào dám dấn thân vào chính trị, đều hiểu rằng khi chế độ
cộng sản sụp đổ thì sự thử thách đối với họ mới thực sự bắt đầu. Đánh đổ được một
chế độ độc tài, nếu không khéo thì sẽ có độc tài khác thay thế. Được bầu cử dân
chủ cũng chưa chắc lập tức có dân chủ. Ngay trong một đảng phái, có tấm lòng phục
vụ tổ quốc vẫn có thể làm phật lòng cử tri vì phải giải quyết quá nhiều vấn đề
xã hội còn sót lại, được lòng người này sẽ mất lòng người kia. Phong trào
Solidarnosc lật đổ được chế độ cộng sản Ba Lan. Lech Walesa được làm tổng thống
đầu tiên với 74,25 % phiếu ủng hộ. Rồi thôi. Mười năm sau ông tái ứng cử chỉ được
1,01 % số phiếu !
Lý tưởng bắt giới đấu tranh làm những việc phi thường khi chế độ cộng
sản còn tồn tại, và sẽ còn phải tiếp tục làm việc hơn 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày
sau khi chế độ cộng sản chấm dứt.
Internet, điểm gặp của những người phi
thường và tổ chức
Từ ngày có Internet, nhân loại thông minh thêm gấp nhiều lần.
Không phải vì Internet thông minh, nhưng nó có khả năng kết nối những sự thông
minh với nhau. Người này thông minh hơn nhờ trí thông minh của người khác. Đối
với người đấu tranh cho tự do dân chủ, Internet còn giúp phát huy hệ thống tư
tưởng văn hóa dân chủ.
Hà Sĩ Phu phân tích liên hệ của ba từ cộng sản, lương thiện và
thông thái. Ông chứng minh rằng người theo cộng sản mà thông thái thì không thể
lương thiện. Sự hiểu biết của riêng Hà Sĩ Phu đã trở thành sự hiểu biết của những
người đấu tranh. Một trí thông minh tập thể đang được cấu thành.
Mẹ Nấm, Nguyễn Tri Tôn, Nguyễn Hồng Sơn… kể về chuyện bắt bớ tù tội
và cách đối đáp với công an. Qua kinh nghiệm đau thương của những người bị trù
dập, chúng ta học được bản lãnh của họ. Dần dần, nó sẽ trở thành bản lãnh của
những người đấu tranh khác. Sự can đảm cá nhân đang trở thành một sự can đảm tập
thể.
Qua những phổ biến đó, một mẫu số chung được thành hình : Sự can đảm
tập thể + sự thông minh tập thể = Tập thể đấu tranh có tổ chức.
Cái hay của một nền văn hóa đang lên là nó có thể dùng bất cứ sự
kiện gì, dù thành công hay thất bại, lôi cuốn và kết nạp thêm thành viên. Qua sự
kiện Điếu Cày - Cờ Vàng và những phản biện tiếp theo, người ta có thể phân biệt
được cách đấu tranh hình thức và đấu tranh thật sự cho dân chủ. Người ta cũng
thấy thế nào là tinh thần hòa giải hòa hợp bao dung hay kiểu hòa giải áp đặt một
chiều. Lời qua tiếng lại, rốt cuộc rồi chỉ có lợi chứ không có hại. Mọi người rồi
sẽ hiểu thật hư và rút ra một kết luận hợp với chính mình. Dù muốn hay không, sớm
hay muộn gì thì nền văn hóa "dân chủ" này cũng sẽ khai nguồn cho một
tập thể chính trị đấu tranh cho dân chủ có tầm vóc và có chiều sâu.
Người cộng sản có thể không tài giỏi, nhưng họ làm được một chuyện
rất thông minh là xây dựng được… một tổ chức. Người đấu tranh có thể rất thông
minh, nhưng chỉ dùng sự thông minh cá nhân mình thì không thể nào chống chọi
hay đối đầu với những khối óc và bàn tay của một tổ chức.
Do đó gia nhập vào một tổ chức là kết luận phải có và lối đi duy
nhất của một người đấu tranh chân chính muốn có hiệu quả. Efficacity. Đấu tranh
để chiến thắng chứ không phải đấu tranh để cho mọi người biết mình.
Dương Thành Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét