Nga lấy gì đáp trả đòn phạt mới của Mỹ?

   
Nga sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới và viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine.
Nga sẽ có biện pháp đáp trả nếu Washington ban hành thêm lệnh cấm vận mới trừng phạt Moscow vì khủng hoảng Ukraine, Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo.

Quốc hội Mỹ đã sẵn sàng cho các biện pháp cấm vận mới nhằm vào các tập đoàn sản xuất vũ khí và nhà đầu tư Nga, nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa nhất trí với điều này, theo Reuters.
“Chúng tôi sẽ không thể để yên chuyện đó mà không đáp trả”, hãng tin Interfax (Nga) dẫn lời ông Ryabkov cho biết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nga không cho biết Moscow sẽ đáp trả như thế nào.

Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.
Ông Ryabkov cho rằng chính “tâm lý chống Nga” tại Mỹ đã giúp dự luật trên được thông qua hôm 12/12, trong đó kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và cung cấp khí tài quân sự trị giá tới 350 triệu USD cho Ukraine. Tuy nhiên, dự luật này vẫn cần phải được Nhà Trắng phê chuẩn.
Hiện chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang ngần ngại trong việc cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine vì lo ngại bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga.
Tuyên bố trên được ông Ryabkov đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Rome (Italy) vào ngày 14/12. Tuy nhiên, ông Ryabkov nhấn mạnh trọng tâm của cuộc gặp lần thứ 17 trong năm nay giữa hai vị ngoại trưởng này sẽ là vấn đề Trung Đông”.
Giới quan sát nhận định quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở mức tồi tệ nhất kể từ sau thời Chiến Tranh Lạnh do Nga sáp nhập Crimea thuộc Ukraine hồi tháng 3 và do Moscow ủng hộ phe đòi ly khai ở miền đông Ukraine.
Các nước phương Tây cho biết đang có bằng chứng cho thấy Nga đã vũ trang cho lực lượng ly khai Ukraine và đã ban hành nhiều biện pháp cấm vận kinh tế đối với các cá nhân và công ty Nga.
Moscow cho đến nay vẫn bác bỏ các cáo buộc nói trên, theo Reuters. Nga cũng đã trả đũa lệnh cấm vận bằng cách cấm nhập thực phẩm của một loạt các nước phương Tây.
Trước đó, vào hôm 11/12, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều đã nhất trí thông qua đạo luật “Ủng hộ tự do Ukraine”, trong đó cho phép tổng thống trừng phạt Nga và cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Trong một diễn biến khác, đài Tiếng nói nước Nga đưa tin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), ông Alexei Pushkov cho rằng việc chính quyền Washington kêu gọi các nước khác từ chối giao thương với Nga là một kiểu hành xử vô lý.
Ông Pushkov đưa ra nhận định này trên trang cá nhân trong mạng xã hội Twitter ngày 13/12. Theo ông, sẽ không có nước nào xem xét lời kêu gọi của Mỹ trừ những đồng minh thân cận nhất của Washington.
Trước đó, phát biểu với báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố Mỹ không hài lòng với những hợp đồng quy mô lớn mà các công ty Nga và Ấn Độ vừa ký kết, cho rằng "không thể hợp tác kinh doanh với Nga như thông thường được."


Nga - Mỹ thực tế đã hành động
Không chỉ lời qua tiếng lại về việc áp đặt lệnh trừng phạt mới, cả Nga - Mỹ đang có những động thái quân sự đe dọa đến nhau.
Về phía Mỹ, một đoàn tàu chở hàng chở toàn xe bọc thép Mỹ đã bị ghi hình được ở Latvia theo hướng tiến tới áp sát biên giới Nga. Khi được phát hiện đoàn tàu đang ở Ga Dalbe cách biên giới Nga chỉ chưa đầy 300km.
Đoàn tàu đã mang theo ít nhất 38 xe trong đó có hơn phân nửa là xe vận tải, bao gồm xe bọc thép chở quân (APC) trong đó có 8 xe Bradley Fighting và 9 xe M113. 4 xe bồn chở xăng, xe vận tải chiến thuật hạng nặng cơ động đường dài (HMTT), xe bánh lốp đa năng cơ động (HMMWV), một xe cứu hộ đa năng M88 Hercules, một vài xe tải, một số xe kỹ thuật và y tế khác, ít nhất bốn container và 2 toa tàu chở toàn là đạn dược.

Đoàn tàu chở toàn thiết giáp Mỹ đang lao tới sát biên giới Nga
Về phía Nga nước này tiếp tục hoạt động mạnh ở Bắc Âu, máy bay quân sự Nga đang bị nghi ngờ suýt đụng máy bay chở khách ở Thụy Điển.
Theo đó, hôm 13/12 tuyên bố, một chiếc máy bay quân sự nước ngoài đã suýt va chạm với một chiếc máy bay chở khách thương mại gần miền nam nước này.
Theo lời chỉ huy Không quân Thụy Điển tướng Micael Byden, chiếc máy bay quân sự đã tắt bộ thu tín hiệu khiến chiếc máy bay chở khách khởi hành từ Copenhagen không thể nhìn thấy nó trên radar.
Sau sự cố, Thụy Điển đã điều chiến đấu cơ đến hiện trường để xác định máy bay lạ trên, Telegraph cho biết. Tướng Byden đã từ chối tiết lộ quốc tịch của máy bay nước ngoài. Nhưng truyền thông nước này và châu Âu đã đổ dồn nghi ngờ về phía Nga.
Tuần trước, NATO cho biết liên minh đã chặn hơn 30 máy bay của Nga trên biển Baltic và ngoài khơi bờ biển Na Uy. Trong khi đó Estonia, Latvia và Lithuania cũng tăng cường cảnh giác với máy bay quân sự và tàu chiến Nga ở biên giới của họ để đáp ứng với cái gọi là hoạt động "chưa từng có" của Moscow.

Tướng Byden cho biết, sự cố xảy ra trên không phận quốc tế vào trưa ngày 12/12  "khá nghiêm trọng" và chiếc máy bay thương mại đã được lệnh thay đổi hành trình ngay lập tức sau sự cố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét