Phạm Quế Dương


Tiểu Sử ông Phạm Quế Dương
Ông Phạm Quế Dương là một nhân vật ly khai tiêu biểu của Việt Nam. Từng là Ðại Tá trong Quân Ðội CSVN, ông đã xé thẻ đảng và đấu tranh một cách mạnh mẽ cho dân chủ tại Việt Nam.
Ông Phạm Quế Dương, sinh ngày 11/3/1931 tại thôn Tử Dương (làng Tía), xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, trình độ văn hóa Đại học, nghề nghiệp : cán bộ Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, Thương binh, hàm Đại tá.

Tháng 4/1945, ông tham gia Thiếu Niên Tiền Phong (Việt Minh), tháng 9/1945 gia nhập Việt Nam Giải Phóng Quân (Quân Đội Nhân Dân Việt Nam), vào Đảng Cộng Sản Việt Nam tháng 8/1948. Kháng chiến chống Pháp, ông đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị Tô Vĩnh Diện. Từ 1978 đến 1982, ông làm Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 2, cán bộ sư đoàn bảo vệ phía Bắc chống Trung Quốc xâm lấn biên giới. Năm 1982, ông là Tổng biên tập Tạp chí Lịch Sử Quân Sự tại Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Bộ Quốc Phòng. Sau khi nghỉ hưu vào năm 1990, ông vẫn là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Từ sau năm 1975, bắt đầu thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì có những bất đồng quan điểm chính kiến nên mỗi kỳ đại hội Đảng ông đã nhiều lần bị khởi tố vào các năm 1982, 1986, 1990. Năm 1995 - Đại hội 8, ông bị triệu tập, khám nhà, thu giữ tài liệu ;
Tháng Giêng năm 1999, khi ông Trần Độ bị khai trừ khỏi đảng CSVN vì yêu cầu dân chủ hóa đất nước, ông Phạm Quế Dương và một số người khác đã xé bỏ thẻ đảng để bày tỏ thái độ của mình trước sự bất công và vô lý của lãnh đạo đảng CSVN.
Tháng 5 năm 2000, ông Phạm Quế Dương đã cùng với các ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến và Trần Dũng Tiến viết thư gửi quốc hội CSVN để phản đối việc nhà cầm quyền bắt giữ ông Hà Sĩ Phu và yêu cầu dân chủ hóa đất nước.
Ngày 2/9/2001, ông cùng nhà nghiên cứu Hán học Trần Khuê đứng ra xin thành lập Hội Nhân dân Việt Nam chống Tham nhũng. Nhưng không được đảng và nhà nước trả lời
Ngày 2/8/2002 cùng 20 người trong nhóm dân chủ cùng ký tên trong một thư gửi QH khóa XI CSVN nêu lên 4 sự việc vi hiến của đảng và nhà nước CSVN. Những người cùng ký tên trong nhóm dân chủ cũng đã cử ông Phạm Quế Dương cùng ông Trần Khuê là người đại diện phát ngôn chính thức của nhóm
Ông Phạm Quế Dương đã ra ứng cử dân biểu quốc hội khóa 11 vào tháng 5 năm 2002, nhưng đơn của ông đã bị bác bỏ từ ngay lần "hiệp thương" đầu tiên, tức là "Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và bày tỏ sự tín nhiệm của cử tri ở nơi cư trú".
Từ tháng 10 năm 2001, ông cùng với một số người khác như Nguyễn Thanh Giang, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Trần Khuê... đã không ngừng phản đối việc đảng và nhà nước CSVN nhượng đất và biển cho Trung Quốc qua các hiệp định được ký kết vào ngày 30/12/1999 và 25/12/2000. Chính những lời tố cáo này đã làm sục sôi phẫn nộ người dân trong và ngoài nước, gây nhiều khó khăn cho chế độ.
Vì muốn ngăn cản tầm ảnh hưởng của ông, công an đã chận bắt ông tại nhà ga Sài Gòn khi ông cùng với một nhóm người vào viếng thăm ông Trần Khuê đang bị quản thúc tại gia từ tháng 10 năm 2001.
Ông Phạm Quế Dương là một nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam được nhiều tổ chức nhân quyền thế giới biết đến. Tháng 6 năm 2001, ông đã được Human Rights Watch trao tặng giải thưởng nhân quyền Hellman/Hammett cùng với nhà văn Bùi ngọc Tấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét