Phạm Quế Dương

- TIẾNG NÓI CỦA CHỦ NHÂN ĐẤT NƯỚC
- ĐỐI THOẠI ĐỂ CÓ DÂN CHỦ
Nói Thêm Về Bài ... "Ai Là Kẻ Cơ Hội ?"

Đầu năm mới, áp bức vẫn còn. Câm lặng vẫn còn. Những kẻ cơ hội, ăn theo nói leo vẫn còn dưới chế độ hiện tại. Vì thế đấu tranh vẫn còn và còn mở rộng lớn mạnh. Đối thoại cám ơn những lời thăm chúc chân thành của các bạn, và vẫn cố gắng tiếp tục là tiếng nói chân thành của nhân dân chân chính. Số đầu năm, Đối thoại xin được gửi đến các bạn bài viết của sử gia QĐ Phạm Quế Dương với ước mong ông
Trung tướng Phó Giáo sư Nguyễn Đình Ước hãy cùng ông công khai trao đổi xem "Ai là kẻ cơ hội ?". Đặc biệt nhân ngày đầu năm Tết Nhâm Ngọ, ông Phạm Quế Dương cũng đã mạnh dạn quyết định xin ra ứng cử đại biểu nơi ông cư ngụ trong kỳ bầu cử quốc hội khóa 11 sắp tới đây, Đối thoại cũng gửi đến các bạn đơn xin ứng cử của ông Phạm Quế Dương trong số này.
BÀI 2 của tôi "Xin mời cùng làm rõ "Ai là kẻ cơ hội ?"" tập trung vào việc cung cấp tư liệu để mọi người biết việc họ hùa nhau phủ định cương vị Bí thư Quân uỷ Trung ương và Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân của Đại tướng quân Võ Nguyên Giáp. Sự việc phản lịch sử như vậy mà ông Trung tướng Phó Giáo sư Nguyễn Đình Ước, trong bao nhiêu lâu không dám có một câu nào bảo vệ sự thật lịch sử mặc dầu ông ta vốn là Viện trưởng Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam. Trong khi đó, ông ta lại múa bút phê những người đang đấu tranh cho dân chủ tự do của nhân dân ta là những kẻ "lén lút", "cơ hội", "chống đối", "bất mãn" ? Vì vậy tôi mới có bài trao đổi với ông ta.
Nhưng trong bài 2 trên, tôi còn đưa thêm tư liệu về việc ông ta không những hù việc phủ định vị trí lịch sử của Tướng Giáp mà còn cấm cả việc đăng bài thương khóc Đại tướng Hoàng Văn Thái khi ông từ trần (2/7/1986).
Mục đích của tôi chỉ là để bạn đọc thêm căn cứ phán xét "Ai là kẻ cơ hội ?" thôi . Nhưng sau bài này tôi được nhiều quý vị hỏi vụ việc này . Mọi người băn khoăn vì ông Duẩn mâu thuẫn với ông Giáp nên muốn hạ bệ ông ấy thì rõ rồi, nhưng còn ông Thái làm sao lại cũng bị thâm thù thế sao ! ? Để các bạn quý mến đỡ phải điện thoại và đến nhà hỏi việc này, tôi xin nói thêm. Chẳng phải ông Hoàng Văn Thái bị thù ghét mà các ông Lê Trọng Tấn, Chu Văn Tấn, Trần Văn Trà, Lê Quảng Ba, Lê Thiết Hùng, Vương Thừa Vũ ... cũng bị như vậy . Vì họ cho là các ông ấy thân ông Giáp. Có thế thôi . Để các bạn thêm tư liệu, tôi xin in lại đây toàn văn bài phát biểu dự lễ tưởng niệm 10 năm ngày Đại tướng Hoàng Văn Thái từ trần do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Cách Mạng, 5/7/1996. Đầu bài đó vẫn là THƯƠNG TIẾC NGƯỜI ANH "TRỌN NGHĨA NƯỚC NON, VẸN TÌNH ĐỒNG ĐỘI" :
Cách mạng tháng Tám - 1945 thành công, tôi vào bộ đội làm liên lạc viên của Khu Hoàng Diệu sau đổi là Khu Đặc biệt Hà Nội . Lúc ấy, tôi đã nghe các anh lớn nói nhiều về anh Hoàng Văn Thái với một tình cảm quý mến. Tuy nhiên tôi có được gặp Anh đâu . Khi toàn quốc kháng chiến, lên an toàn khu gọi tắt là ATK ở Quán Vuông - Đại Từ cũng nghe nhiều về Anh với cái tên gọi là anh Thanh. Nhưng tôi cũng chưa hề biết mặt.
Qua chiến đấu, tôi trưởng thành dần, càng nghe các anh trên ca ngợi Anh cùng anh Văn, anh Nguyễn Chí Thanh, anh Lê Trọng Tấn, anh Trần Độ, anh Vương Thừa Vũ v.v... Nhưng thật sự khi lên đến cán bộ sư đoàn cũng chưa bao giờ được trực tiếp làm việc với Anh.
May sao, đầu những năm 80 cấp trên xét thấy lý lịch tôi có ghi học Đại học tổng hợp văn và Khoa báo chí Trường Tuyên giáo Trung ương và đã làm Tổng biên tập báo Phòng không - Không quân thời chống Mỹ nên điều về làm Tổng biên tập Tập san Nghiên Cứu Lịch Sử Quân Sự sau là Tạp chí Lịch Sử Quân Sư Lúc ấy, anh Hoàng Văn Thái là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách về công tác cán bộ và khoa học quân sự cùng lịch sử quân sư Từ đó, tôi có duyên gặp Anh và mãi mãi ghi sâu trong trái tim những kỷ niệm về Anh. Những kỷ niệm đây hoàn toàn là những ứng xử về lịch sử mà ghi đậm nét trình độ, bản lĩnh và tính cách con người của Anh. Tôi xin kể lại vài ví dụ :
Năm 1984, kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, báo Nhân Dân đăng bài của anh Thái trong nhiều kỳ. Tiếp đó, ngày 13-3-1984, ngày mà trước đó đúng 30 năm nổ súng đánh Him Lam mở màn chiến thắng Điện Biên Phủ, báo Quân Đội Nhân Dân cũng đăng bài của anh Thái . Cũng như báo Nhân Dân, bài đăng nhiều kỳ mà hôm ấy là phần đầu . Bài do anh Trần Trọng Trung chấp bút. Anh Trung lại tin tôi nên nhờ tôi sửa bản in thư. Ngày 13/3, tôi sửa bản in thử cho ngày 14-3. Trong bản in thử này có trích đoạn bức thư Quân uỷ Trung ương gửi Đoàn Cao xạ pháo 367 chỉ ký là Bí thư Quân ủy Trung ương, tôi bổ sung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Nguyễn Đức Toại, báo Quân Đội Nhân Dân, không nhất trí nói rõ là theo chỉ đạo chỉ đưa tên tập thể không đưa tên cá nhân. Chúng tôi phải cùng nhau gặp ngay anh Thái .
Nghe trình bày, anh Thái lưỡng lự, hỏi ý kiến chúng tôi . Tôi nói :
- Trong những bài anh đăng trên báo Nhân Dân không nhắc gì đến anh Văn, dư luận rất băn khoăn !
Anh Thái bảo :
- Mình có viết chứ nhưng báo họ cắt, nhiều anh em hỏi mình, mình cũng phải nói để anh em thông cảm.
Tôi báo cáo :
- Chúng tôi biết như vậy. Nhưng cũng có anh em ta nói : Bây giờ chỉ còn biết tin vào anh mà anh cũng không dám nhắc đến tên anh Văn thì biết tin vào ai ? ! Ngày hôm qua chỉ nói đến Bác và Trung ương là đúng. Song bài hôm nay cũng không nhắc gì đến anh Văn là vừa trái với lịch sử vừa mất lòng quần chúng.
Anh Thái quay sang hỏi anh Toại - báo Quân Đội Nhân Dân. Anh Toại trình bày :
- Chúng tôi theo chỉ đạo của trên chứ thật lòng rất biết công ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phụ
Trầm ngâm một lát anh Thái nói :
- Anh về báo cáo với các anh lãnh đạo báo . Nếu không đưa tên anh Văn như bản sửa này thì không đăng bài của tôi nữa . Anh Trung theo dõi việc này giúp cho tôi .
Khi anh Lê Thiết Hùng ốm nặng, tôi đến thăm được biết anh Siêu Hải ghi hồi ký hộ anh Hùng khi hoạt động trong hàng ngũ quân đội Tưởng Giới Thạch. Tôi mượn về đọc thấy hay quá, bao nhiêu tư liệu lịch sử về Bác Hồ hoạt động cách mạng trên đất Trung Quốc. Song theo bài anh Siêu Hải thì vì vướng tên anh Hoàng Văn Hoan nên khó sử dụng mà bỏ tên anh Hoan đi thì phi lỵ Tôi báo cáo anh Thái . Anh Thái bảo tôi đọc những đoạn vướng mắc. Nghe xong, anh Thái bảo tôi : Bác Hồ rất quý anh Hoàng Văn Hoan, anh Lê Thiết Hùng. Lịch sử lúc ấy nó như thế, chả ai bác được ! Tôi đăng ngay hồi ký này trên nhiều số với đầu đề : " Tôi là người học trò nhỏ của Bác Hồ".
Rồi lại hồi ký của anh Lê Quảng Ba do anh Hoàng Thế Dũng viết về vượt Thập Vạn Đại Sơn, quân ta đánh quân Tưởng Giới Thạch buộc Bạch Sùng Hy đưa 20 vạn quân xuống đỡ đòn, góp một phần giúp Giải phóng quân Trung Quốc Nam ha Và lại bài "Đội du kích đầu tiên bảo vệ Bác Hồ". Hay quá . Nhưng anh Lê Quảng Ba khi ấy có dư luận thân anh Chu Văn Tấn. Anh Hoàng Thế Dũng, vốn là phó Tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân lại bị xử lý trong vụ án "xét lại". Không đăng thì tiếc mà đăng thì cũng lo . Tôi xin ý kiến anh Thái, anh bảo đưa xem, rồi lại trả lại tôi, bảo : Đây là những tư liệu sử quý hiếm. Tôi an tâm đăng tải và được dư luận rất hoan nghênh. Rồi tôi lại nhận được bài của anh Lê Minh Nghĩa viết về hội nghị Trung Giã. Bản thân anh Nghĩa vốn đã là "xét lại" trong bài lại có mấy bức điện của Chu Văn Tấn. Tôi lại tìm anh Thái . Nhân dịp, tôi hỏi anh Thái : Tôi nghe anh nói anh Chu Văn Tấn làm tay sai cho Tầu, định bán Việt Bắc cho họ, tụi tôi chẳng hiểu thế nào ? Anh Thái cười bảo tôi : Các anh làm sử, nói gì, viết gì phải có chứng cứ, tư liệu rõ ràng chự Không có Cứu Quốc Quân và anh Chu Văn Tấn thì làm sao có được cuộc hội quân của Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân và anh Võ Nguyên Giáp rồi cùng Nam tiến trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám - 1945.
Thú thật, với những sự việc trên tôi chỉ là đứa trẻ con đi hỏi những nhân chứng lịch sử, đâu dám bịa đặt. Nhưng đến nay càng rõ đâu phải nhân chứng lịch sử nào cũng dám bênh vực lịch sử như anh Hoàng Văn Thái !
Cùng thời gian ấy, tôi nhận được tin anh Trần Anh Tuấn, Đại úy ở Học viện Lục Quân Đà Lạt bị nghỉ hưu . Tôi chưa hề biết mặt anh này, nhưng đã đọc hồi ký "Bộ Tổng Tham Mưu Xô Viết trong chiến tranh" của Xtêmenco và "Nhớ lại và suy nghĩ" của Giucốp do anh dịch. Tôi tìm đến tận nhà ở sân bay Bạch Mai xem mặt, hỏi chuyện rồi về báo cáo anh Hoàng Phương - Viện trưởng Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam lúc bấy giờ, anh Phương nhất trí bảo lên xin ý kiến anh Thái . Tôi trình bầy rõ tài năng dịch tiếng Nga của anh Tuấn như vậy . Hơn 50 tuổi mà nghỉ hưu phí quạ Anh Thái đồng ý. Thế là anh Tuấn về làm Thư ký toà soạn báo tôi . Ngay sau đó, lại đến Đào Thái Tôn, một anh Đại úy rất giỏi Hán Nôm, lý luận văn học rất tốt, bút chiến nổi tiếng, không lên được Thiếu tá ở Tổng Cục Chính Trị cũng đã cầm quyết định nghỉ hưu . Tiếc quá, quân đội ta có được mấy người giỏi văn chương, Hán Nôm như anh này . Cũng giống như trường hợp anh Tuấn, tôi xin anh Thái cho về làm Trưởng ban biên tập Tạp chí Lịch Sử Quận Sư và sau đó anh ta bảo vệ thành công Phó Tiến sĩ văn chương.
Tôi không hiểu anh Hoàng Văn Thái về những lĩnh vực chỉ đạo chiến tranh, chiến lược, chiến thuật. Song, với tôi, bằng những việc làm của tôi với Anh, Anh đã khắc sâu trong trái tim tôi tên Anh, hình ảnh Anh.
Khi Anh đột ngột ra đi . Thương Anh quá, tôi viết bài báo khóc Anh. Tiếc là, khi bài ấy đã lên khuôn xong tôi bị gọi lên bảo phải bóc bài đó đi . Tôi chấp hành nghiêm chỉnh. Nay nhân 10 năm ngày giỗ anh tôi xin được kính dâng lên hương hồn Anh bài báo 10 năm trước ...
Mong ông Trung tướng Phó Giáo sư Nguyễn Đình Ước - Viện trưởng Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam lại hãy cùng tôi công khai trao đổi xem "Ai là kẻ cơ hội ?".
Hà Nội, 6/1/2002
Phạm Quế Dương 37 Lý Nam Đế - Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét