Phải chăng

  “Lãnh đạo Hà Nội ngày nay vẫn là bất lực hay bất lương”
Phạm Quế Dương
Sáng ngày 10/6, tôi có anh bạn đến chơi. Anh ta cho tôi bài báo “Ngôi nhà bà Nguyễn Thị Bảy” của báo Văn Nghệ Trẻ, ra ngày 4/6/2006. Bài báo có Lời toà soạn và “Thư của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc” và “Thư gửi các vị lãnh đạo Thành phố Hà Nội” của bà Nguyễn Thị Bảy. Tiếp đó, anh ta nhắc lại chuyện đầu những năm 2000 tôi có viết một bài “Lãnh đạo Hà Nội ngày nay bất lực hay bất lương”.



Bài của tôi viết về câu chuyện này. Đó là vụ việc ngôi nhà của Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, ở 27 phố Hàng Đường Hà Nội bị chiếm đoạt. Bà Nguyễn Thị Bảy là con dâu của Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng và cháu của Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng là anh Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kiêm Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, lại còn là Đại biểu Quốc Hội. Gia đình bà Bảy đã viết bao nhiêu đơn thư, rồi nhiều báo chí viết bài đề nghị giải quyết song sự việc vẫn rơi vào im lặng. Đồng thời trong bài này tôi cũng lại kèm theo chuyện dân làng tôi ở Hà Nội vốn là thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũng đòi ngôi Đình - Tử Dương Vọng Đình ở số 8 phố Hàng Buồm bị chiếm đoạt từ 1955. Ngôi Đình này các cụ làng tôi xây dựng từ thời vua Lê Cảnh Hưng (1767) Thờ Tuệ Trung Thượng sỹ - Trần Tung, anh cả Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ngôi Đình còn giữ được văn bản Di tích Đình Tử Dương của Sở Văn Hoá Hà Nội; Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về ngôi Đình này, ngày 4/4/1994; cuốn sách “Làng Tử Dương qua di sản văn hoá Hán Nôm”, Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin xuất bản 3/97 viết về ngôi Đình này; nhiều sách báo viết về ngôi Đình này. Và năm 2002, Ban chỉ đạo Quốc gia Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Uỷ Ban Nhân Dân quận Hoàn Kiếm xuất bản cuốn sách “Di tích Lịch sử Văn hoá trong khu phố cổ và xung quanh Hồ Hoàn Kiếm”, trang 323, cũng ghi rõ “Đình Tử Dương, 8 Hàng Buồm thờ phúc thần” trong “Danh mục Di tích lịch sử - Văn Hoá quận Hoàn Kiếm”. Đồng thời Địa Bạ của Tử Dương Vọng Đình này còn nguyên bản vậy mà mấy chục năm trời dân làng đi đòi cũng rơi vào im lặng.
Tôi cảm ơn anh bạn và nói chuyện khá lâu về chuyện này. Anh bạn khuyên tôi: Bây giờ cậu gần 80 rồi, giữ sức khoẻ để nhìn đời thôi chứ những việc như thế này thì hàng vạn dân các nơi về Hà Nội khiếu kiện có ai giải quyết đâu. Suy nghĩ làm gì cho khổ thân. Tôi nhất trí.
Song sau khi tiễn bạn ra về, tôi đọc bài báo Ngôi nhà bà Nguyễn Thị Bảy thì lại thấy trăn trở, không yên tâm được. Sáng ngày 20/6/2006, tôi đến thăm bà Bảy để hỏi xem sau khi có bài báo này đã được giải quyết chưa? Bà Bảy cười bảo tôi: Vẫn như cũ. Không ai trả lời cả (!?).
Tối 18/6, xem Tivi chương trình thời sự, thấy có nói về phố Hàng Buồm. Mấy hôm sau, tôi đến phố Hàng Buồm, thấy có nhiều băng đỏ, nhiều cờ đèn rất đẹp với những dòng chữ bằng tiếng Việt, tiếng Anh “Sự kiện tuyến phố Hàng Buồm” “Dự án thí điểm phát triển bền vững khu phố cổ Hà Nội”. Tôi cũng phấn khởi, vì sắp 1000 năm Thăng Long, hi vọng họ giải quyết cho dân làng xây dựng lại Đình trở lại văn hoá của tổ tiên để lại và cũng trả lại thực cảnh của phố Hàng Buồm. Song, về điện thoại ngay cho ông Trưởng Ban liên lạc đồng hương làng để hỏi xem họ đã giúp xử lý chưa? Ông ấy trả lời: Không ai nói gì cả (!?).
Tôi rất buồn nên viết tiếp bài này, mời các vị và các bạn đọc mấy bài của Văn Nghệ Trẻ dưới đây và chúng ta cùng nhau suy nghĩ xem phải chăng “Lãnh đạo Hà Nội ngày nay vẫn là bất lực hay bất lương” (!?)
Ngôi nhà bà Nguyễn thị bảy
Lời toà soạn: Tại nơi đang diễn ra kỳ họp Quốc hội, phóng viên tìm cách tiếp xúc với ông Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, người đã được Chính phủ chỉ đạo giải quyết vụ việc này từ đầu năm 2002. Vừa thấy nhắc đến vụ việc, ông thoái thác ngay: “Thôi thôi, tôi đã bàn giao vụ việc này cho Uỷ ban rồi…”. Thật đáng tiếc, ông quên rằng tuy ông không còn tham gia hành pháp thì ông vẫn là người đứng đầu cơ quan đại diện của dân, trong đó có cử tri Nguyễn Thị Bảy, vẫn có trách nhiệm giám sát mọi sự việc liên quan đến địa bàn mà dân đã bầu ông.
Trong số báo này, Văn Nghệ Trẻ xin đăng bức thư bà Nguyễn Thị Bảy và thư của ông Dương Trung Quốc (do ông Dương Trung Quốc cung cấp) gửi lãnh đạo Thành phố Hà Nội với lòng mong muốn vụ việc này sớm kết thúc đúng với đạo lý, chính sách của Đảng và Nhà nước.


Thư của đại biểu quốc hội dương trung quốc
Kính gửi:
- Giáo sư Nguyễn Phú Trọng - Đại biểu QH, Bí thư Thành uỷ Hà Nội
- Giáo sư Phùng Hữu Phú – Chủ tịch Hội đồng nhân dân Hà Nội
- Ông Hoàng Văn Nghiên – Trưởng đoàn Đại biểu QH Hà Nội
- Tiến sĩ Nguyễn Quốc Triệu – Chủ tịch UBNDTP Hà Nội
Tôi xin kính chuyển tới các vị lá thư của mẹ tôi là  bà Nguyễn Thị Bảy, hiện ngụ tại 27 Hàng Đường, Hà Nội. Đây là lá thư cuối cùng mà mẹ tôi, năm nay đã 82 tuổi gửi tới lãnh đạo thành phố. Là phận con, tôi hiểu được nỗi đau khổ, lòng uất hận và sự mất lòng tin của mẹ tôi trước cách hành xử của quý vị. Tôi hiểu và tán đồng với cách hành xử của mẹ tôi.
Là một công dân, một cử tri của Hà Nội và là một Đại biểu QH tôi muốn nêu lên một số câu hỏi yêu cầu quý vị làm sáng tỏ:
1. Vì sao, Chính phủ đã có chỉ đạo giải quyết vụ việc này từ 2-2002 (khi tôi chưa là ĐBQH) mà đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, mặc dù lãnh đạo TPHN đã báo cáo với Thủ tướng và với Quốc hội giải pháp để thực hiện dứt điểm vụ việc này ngay từ năm 2002?
2. Những chất vấn của mẹ tôi về việc ông Hoàng Văn Nghiên khi là Chủ tịch Thành phố nói với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng người đang chiếm dụng diện tích này là thương binh (trên thực tế là thương binh giả), cũng như việc hai vị Phó Chủ tịch dưới quyền ông nói với các phương tiện thông tin đại chúng rằng mẹ tôi đã hiến nhà, cần được làm sáng tỏ một cách công khai, vì những yêu cầu của mẹ tôi là chính đáng!
3.  Vì lòng nể trọng các nhà lãnh đạo Hà Nội, tôi đã kiên trì và nín nhịn, nhiều lần viết đơn trình bày và xin gặp các vị. Đều là đại biểu dân cử (QH & HĐNDTP), nhưng rất đáng tiếc và đáng ngạc nhiên là tôi đều không được hồi âm, ngoại trừ một bức thư riêng của Giáo sư Bí thư Thành uỷ với nội dung: “Tôi sẽ nhắc các đồng chí UBNDTP Hà Nội sớm xem xét và chỉ đạo xử lý dứt điểm việc này, theo chức năng, thẩm quyền trên cơ sở chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có lý, có tình, càng sớm càng tốt” (thư ngày 24-4-2004). Vậy mà đến nay đã nhiều năm trôi qua sự việc vẫn chưa được giải quyết?
Riêng với Giáo sư Tiến sĩ sử học Phùng Hữu Phú, tôi xin hỏi: “Giáo sư là người đọc nhiều hiểu rộng có thấy ở đâu, vào thời nào, có triều đại hay chế độ nào tước đoạt tài sản hương hoả của người đã chết vì chế độ ấy, triều đại ấy hay không?”.
Bằng văn bản này, tôi kính đề nghị các vị lãnh đạo Thành phố Hà Nội với chức trách của mình sớm đáp ứng những yêu cầu của mẹ tôi. Hoặc thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ trả lại nhà cho mẹ tôi, hoặc mẹ tôi trả lại tất cả những gì vốn là thiêng liêng, quý giá nay đã trở nên vô nghĩa cho quý vị.
Vì vào thời điểm này sắp diễn ra sự chuyển đổi công tác của quý vị, do vậy xin mọi chuyện phải được giải quyết dứt điểm trước khi quý vị chuyển sang một nhiệm vụ mới, cũng có nghĩa là xin quý vị đừng hành hạ mẹ tôi thêm nữa bằng sự chờ đợi kéo dài.
Tôi chờ đợi sự hồi âm hàng ngày. Kính chào.
 
Hà Nội, ngày 16-5-2006
Dương Trung Quốc






Thư gửi các vị lãnh đạo thành phố hà nội





Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2006
Kính gửi: Các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Tôi tên là Nguyễn Thị Bảy, sinh năm 1925, thường trú tại 27 Hàng Đường, Hà Nội, là vợ liệt sĩ Dương Trung Hậu và con dâu Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Hợi xin có mấy lời sau đây với các vị lãnh đạo cao nhất của Thành phố Hà Nội về vụ việc liên quan đến cửa hàng của ngôi nhà 27 Hàng Đường, Hà Nội.
1. Ngôi nhà này của bố mẹ chồng tôi tậu từ năm 1918. Tôi về làm con dâu được hơn 4 năm thì chồng tôi tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô và hy sinh vào những ngày đầu của Kháng chiến toàn quốc, cuối năm 1946. Do vậy tôi phải kinh doanh để nuôi mẹ chồng (Bà mẹ VNAH) và 3 đứa con nhỏ (con liệt sĩ), không thuê mướn ai. Vậy mà khi nhà nước về tiếp quản Hà Nội vừa trao bằng liệt sĩ cho chồng tôi lại vừa động viên tôi tham gia công tư hợp doanh để cùng nhà nước khôi phục kinh tế. Rồi cuối cùng thì nhà nước lại viện cớ việc tôi tham gia công tư hợp doanh để tước đoạt một tài sản vào lúc đó thuộc quyền sở hữu của mẹ chồng tôi là Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Hợi (?!). Do vậy, theo thiển ý của tôi, dù với bất kỳ lý do nào, việc tước đoạt tài sản là hương hoả của liệt sĩ, Bà mẹ VNAH đều trái với đạo lý. Diện tích cửa hàng ấy lại được giao cho một người mạo nhận là thương binh thông qua việc mua bán bất hợp pháp của những cán bộ quản lý nhà đất, cướp cả lối đi hợp pháp của gia đình tôi là việc làm  phi pháp.
2. Do những khiếu nại của gia đình và dư luận xã hội, từ tháng 2-2002, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức họp bàn và chỉ đạo thành phố phương hướng giải quyết. Nhưng không biết vì lý do gì đã hơn 4 năm rồi mà lãnh đạo thành phố đã không thực hiện sự chỉ đạo này? Khi chồng tôi hy sinh tôi mới 22 tuổi. Tôi năm nay đã 82 tuổi rồi chắc không đủ sống để chờ các vị lãnh đạo thủ đô thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, nay các vị lại sắp thay đổi vị trí, chức vụ để rồi mọi việc lại từ đầu chăng? Nghĩ thế tôi thấy chẳng còn cách nào khác xin đề nghị: Nếu các vị không trả lại tài sản hương hoả của liệt sĩ và Bà mẹ VNAH thì cho tôi xin trao trả lại cho lãnh đạo thành phố Hà Nội tất cả vinh danh, chế độ, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho gia đình chúng tôi gồm: Bằng Tổ quốc ghi công, Bằng liệt sĩ, Bằng Bà mẹ VNAH, Huy chương kháng chiến của chồng tôi và các tiêu chuẩn chính sách của tôi. Xin cho gia đình được chuyển phần mộ của chồng tôi ra khỏi Nghĩa trang Mai Dịch để đưa về quê.
Tôi ý thức được đây là những phần thưởng cao quý nên nó phải được trao lại một cách đàng hoàng cho người lãnh đạo cao nhất Thành phố Hà Nội những người chịu trách nhiệm đối với vụ việc này trước khi các vị rũ trách nhiệm để nhận nhiệm vụ khác. Và tôi thấy nhẹ nhõm khỏi dằn vặt vì sự oan ức và hy vọng vô ích vào sự công tâm của quý vị.
Còn những quyền lợi chính đáng của gia đình, các con cháu tôi sẽ bảo vệ theo tinh thần của pháp luật.
3. Nhưng, có một điều kiện bắt buộc là các vị lãnh đạo Hà Nội nào đã tuyên bố rằng tôi đã hiến nhà thì xin đưa ra bằng chứng, nếu không có bằng chứng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì đó là sự xúc phạm đối với tôi. Một người Hà Nội tử tế không bao giờ nuốt lời hứa. Và vị lãnh đạo Hà Nội nào đã từng bịa đặt rằng người đang chiếm dụng diện tích này là thương binh, xin đưa ra bằng chứng. Nếu không có thì đó là hành vi lợi dụng chức vụ để xuyên tạc sự thật, phá hoại chế độ và chính sách của Nhà nước.
Điều cuối cùng tôi muốn nói với các vị lãnh đạo Hà Nội rằng: vì các vị mới chỉ nghĩ đến một diện tích được quy đổi ra tiền nên khó khăn trong việc thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ. Còn với tôi, đâu chỉ đòi nhà (một tài sản hợp pháp của gia đình chồng) mà là đòi lẽ công bằng, đòi bảo vệ những ý nghĩa cao cả cho cái chết của chồng tôi,  sự hy sinh của gia đình tôi cũng như của biết bao nhiêu liệt sĩ khác đã ngã xuống vì cái chế độ mà hôm nay các vị là những người đang nhân danh.
Xin gửi quý vị lời chào.

Nguyễn Thị Bảy
  Nơi gửi:
- Các vị lãnh đạo Hà Nội.
- Các cơ quan ngôn luận.
- Bạn bè gần xa.

Hà Nội, 22-6-2006
Phạm Quế Dương
37 Lý Nam Đế, Hà Nội
ĐT: 04-2700002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét