Bán nguyệt san Tổ Quốc
Số 02. Phát hành ngày 01 / 10 / 2006
Sau Tổ Quốc số 1 nhiều bạn đọc nhận xét rằng lúc này phe dân chủ ra khá nhiều báo. Chúng tôi khẳng định: đó là một điều đáng mừng nhưng rất chưa đủ. Cần phải có thêm nhiều tờ báo độc lập nữa, phải mạnh dạn và dứt khoát coi cuộc đấu tranh giành trọn vẹn tư do thông tin, nghĩa là tự do ngôn luận và báo chí, như là mục tiêu giai đoạn quan trọng nhất vào lúc này.
Thông tin đã trở thành một giá trị phổ cập không ai có thể chối cãi, kể cả các chế độc độc tài. Người ta có thể mừng rằng cuộc tranh luận đã ngã ngũ nhưng cũng cần cảnh giác rằng chính vì thiếu tranh luận trong chiều sâu mà tự do thông tin có thể chỉ được hiểu lầm là một chọn lựa đúng mà thôi. Nhưng vấn đề không giản dị là đúng hay sai. Nó nghiêm trọng hơn nhiều.
Con người sơ khai, ngay từ thời kỳ văn minh săn hái, đã biết tiếp thu, tích lũy và sử dụng một khối lượng thông tin cực kỳ lớn về thời tiết, thảo mộc và các động vật, để biết có thể và phải làm gì, vào lúc nào, ở đâu và như thế nào. Chính nhờ khả năng này mà con người, động vật vụng về và yếu đuối, đã vượt lên trên mọi động vật khác, làm chủ được thiên nhiên, cải thiện cuộc sống và không ngừng thay đổi bộ mặt của thế giới. Nhu cầu thông tin xuất hiện cùng với loài người.
Từ đó hoạt động chính của con người là trao đổi thông tin, mọi loại thông tin. Không phải chỉ trao đổi thông tin về những gì đã có hoặc hiện có mà cả, và nhất là, về những gì có thể có, không thể có, phải có, nên có và không nên có. Không phải chỉ về những gì mình biết hay cảm nhận mà cả về những dự định, những ký ức và những giả thuyết. Nếu không thì giống người đã không thể trở thành văn minh và hùng mạnh, mà cũng không thể tồn tại. Thông tin vì vậy là môi trường sinh thái của con người. Một con người thiếu thông tin là một con người suy giảm, không thực sự là một con người.
Trên điểm này chúng ta không thể thỏa hiệp và nhân nhượng .
Ban biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét