Quốc Hội CSVN

Quốc Hội CSVN
Tôi tự ứng cử Quốc Hội để làm gì ?
Phạm Quế Dương

Thư ngỏ gửi bạn bè

HÀ Nội , 11 tháng 3 năm 2002

Tôi tự ứng cử Quốc Hội để làm gì ?

Sáng mồng Một Tết Con Ngựa, khai bút, tôi làm đơn xin tự ứng cử đại biểu Quốc Hội khoá 11 nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.



Tết, bè bạn đến chơi nhiều và không ít người hỏi tôi vụ này. Hầu hết đều cười bảo tôi là "dở hơi" ! "Đến bây giờ còn tin vào Quốc Hội à ?" "Ai người ta cho ứng cử mà ứng cử ?" "Mà vào Quốc Hội làm cái quái gì ?".v.v...

Tôi đã trả lời nhiều mà vẫn cứ bị hỏi. Tôi xin phép viết mấy dòng đáp lại.

Một là, tôi còn tin Quốc Hội Việt Nam không ?

Xin trả lời : Thời kháng chiến tôi rất tin. Nay thì hết tin rồi. Tôi chẳng thể quên cuối những năm 80, thảo luận Luật Báo Chí.

Chúng tôi nói : "Báo chí là công cụ thông tin".

Ban Tuyên giáo Trung ương nói : "Báo chí là công cụ tuyên truyền". Cãi nhau. Tổng bí thư Đảng bảo : "Báo chí là tiếng nói của Đảng..."

Tháng 12/1989. Quốc Hội thông qua Luật Báo Chí : "Báo chí ở nước CHXHCNVN là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức) ; là diễn đàn của nhân dân".

Cơ quan Nhà nước tức là Đảng, tổ chức xã hội cũng là Đảng. Như vậy, chỉ có Đảng mới có ngôn luận, còn nhân dân chỉ có diễn đàn. Không có báo chí dân lập, báo chí tư nhân.
Tiếp đó, 1993, Quốc Hội thông qua Luật Đất Đai ghi rõ : "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý" ! Luật này bãi bỏ quyền sở hữu tư nhân về đất đai của nhân dân. Mọi người chỉ còn có quyền sử dụng. Quốc Hội ra Luật Đất Đai như thế cũng dễ hiểu. Bởi vì Nhà nước Cộng Sản từ thấp đến cao đều là Nhà nước toàn dân mà Luật định như vậy cho nên họ thi nhau ăn cướp, ăn cắp đất đai của dân. Quan cướp đất. Kiện quan. Quan nào xử. Còn báo chí là tiếng nói của Đảng rồi. Báo nào dám bênh vực nhân dân. Cho nên cứ mỗi lần Quốc Hội họp hàng trăm đoàn dân về đòi nhà đất ngày càng nhiều ngày càng đông nhưng đâu có được xử lý. Và cứ thế triền miên là do vậy.

Rồi lại gần đây, việc ký Hiệp định biên giới và vùng biển Việt - Trung. Dư luận xôn xao. Quốc Hội Việt Nam đã thông qua chưa ? Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, chỉ là hiệp định buôn bán giữa hai nước mà còn làm đủ mọi thủ tục trình rồi thông qua Quốc Hội như diễn kịch. Vậy sao cái Hiệp định biên giới và hải phận quan trọng ngàn đời đối với danh dự là lương tâm Non Sông Đất Việt mà lại ký vụng trộm như vậy sao ? Khi dư luận sục sôi bất bình đã có vị lãnh đạo Đảng và Nhà Nước nào công khai trả lời đâu ? Quốc Hội được Hiến pháp gọi là cơ quan quyền lực cao nhất cũng lờ di.

Thử hỏi còn mấy ai tin được vào Quốc Hội này. Đâu chỉ riêng tôi.

Hai là, ai người ta cho ứng cử mà vẫn xin ứng cử ?

Đúng là làm sao mà tôi có thể được ứng cử và lại còn trúng cử được ? Bầu cử Quốc Hội, người Việt Nam lâu nay mấy ai chẳng biết là cái trò "Đảng cử Dân bầu". Hiến Pháp thì nói là 21 tuổi trở lên thì được tự ứng cử đấy. Nhưng sự thật ra sao ? Luật Bầu Cử nói rõ rồi : Phải qua cơ sở, cơ quan tín nhiệm cơ mà ! Tôi mới làm đơn 12/2/2002 thì 28/2/2002 tôi đã được chi bộ Đảng và Công an phường "thông báo" cho đảng viên và cụm dân cư gần 20 tội của tôi. Và tóm lại tôi là "Phần tử gây rối", "Phần tử vốn có nhiều vấn đề từ lâu" rồi cơ mà. Sao lại có thể được phép ứng cử được ?

Nhớ lại, khoảng mười năm trước, khi bầu cử Quốc Hội khoá 9, ông Nguyễn Thanh Giang - Phó tiến sĩ ngành địa chất, đang là cán bộ Nhà nước tự ứng cử. Khi thông qua khu dân cư được là người nhiều phiếu thứ 2 trong 4 người. Rồi được báo Nhân Dân phỏng vấn đăng trên trang nhất. Rồi được cán bộ lãnh đạo Quốc Hội về địa bàn trú ngụ nói về ông ta rất hay. Ai cũng tưởng ông ta được ứng cử. Vậy mà, khi ai đó đến chỉ đạo cơ quan ông ta làm thủ tục chọn lựa. Cơ quan hơn 400 người, nhưng khi họp đánh giá lại chỉ có 16 người được mời họp. Bỏ phiếu bằng giơ tay. Thế là Nguyễn Thanh Giang rớt luôn thôi.

Cho nên khi tôi bị loại không được vào danh sách ứng cử thì cũng là chuyện thường tình thôi mà !

Ba là, vậy tôi tự ứng cử Quốc Hội làm gì ?

Họ không cho tôi ứng cử nhưng tôi đã làm đủ thủ tục tự ứng cử. Hội đồng bầu cử TP Hà Nội đã có Giấy biên nhận hồ sơ tự ứng cử của tôi thì tối thiểu là tôi được gặp bà con khu cư trú. Tất nhiên là bà con cũng chẳng mấy ai dám bỏ phiếu giơ tay cho tôi ứng cử. Nhưng cũng là dịp tôi có thể được trực tiếp trình bầy để bà con biết những băn khoăn của tôi.
Trước hết, tôi muốn báo cáo với bà con :

Làng tôi có ngôi Đình làng ở Hà Nội, mang tên Tử Dương Vọng Đình tức là ngôi Đình thờ vọng về làng, xây dựng từ 1767, 22 năm trước khi Quang Trung đại thắng quân Thanh, 1789, ở số 8 phố Hàng Buồm. Đình đã được Hội khoa học lịch sử Việt Nam hội thảo về lịch sử, 1 di tích của khu phố cổ Hà Nội. Bao nhiêu báo chí, Đài tiếng nói Việt Nam, Vô tuyến truyền hình giới thiệu. Kèm theo còn có 4 ngôi Nhà cũng mang tên chủ hộ Tử Dương Vọng Đình. Tất cả đều bị chiếm từ mấy chục năm nay. Dân làng còn đầy đủ giấy tờ pháp lý chủ sở hữu. Vậy mà đi xin, đi đòi, đi kiện từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên : Chính phủ, Quốc Hội, Thành phố, Quận, Phường. Không ai trả lời ! ? Đồng thời ở làng còn có 1 ngôi chùa bị họ phá huỷ hoàn toàn đề làm nhà an dưỡng cho cán bộ, công nhân viên Bộ Thuỷ Lợi, diện tích tròn 10.000m2. Sau chiến tranh, Bộ Thủy Lợi không trả lại làng mà bán cho 1 Công ty trách nhiệm hữu hạn diện tích đó. Kêu cầu với trên cũng chẳng ai trả lời.

Rồi lại cũng ở làng tôi, có điện thờ cụ Dương Vân Nga, bị mượn làm mậu dịch bán hàng. Nay bán cho mấy hộ nơi khác đến. Dân làng có những năm khiêng kiệu đến lễ trước nhà họ để đòi. Nhưng đâu có được. Ở làng tôi lại còn điện thờ danh tướng Phạm Nhữ Tăng, phò vua Lê Thánh Tông mở rộng bờ cõi phía Nam từ 1471. Điện thờ bị 1 đảng uỷ viên xã chiếm từ 1955. Dòng họ Phạm đi đòi, trình lên huyện, tỉnh, toà án mấy chục năm cũng đều không có ai trả lời ! ?

Thêm nữa, tôi vốn làm lính từ 15 tuổi đến 60 tuổi mới nghỉ hưu. Từng lang thang mọi chiến trường, tôi rất tôn quý sự hi sinh vô giá của những liệt sĩ, thương binh và gia đình những người có công với Tổ Quốc. Vậy mà đi các địa phương gặp bao nhiêu sự việc phi lý. Điển hình là ở giữa Hà Nội có nhà Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, ở 27 phố Hàng Đường, bị bán rất phi pháp. Bao nhiêu báo chí lên tiếng. Đến nay vẫn tắc tị.

Quá phẫn nộ với những việc trên, tôi đã viết bài lên án những vụ này và chỉ mặt bọn quan lại Cộng Sản là "lũ ăn xương uống máu đồng chí đồng đội" đang giữ ghế để ngồi lên đầu dân là lũ "bất lực" hay "bất lương" . Vậy mà cũng chẳng ai trả lời tôi cả.

Đồng thời, tôi cũng muốn thông tin với bà con : Hiến pháp nước ta, điều 73, quy định : Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật. Vậy mà, khi chúng tôi hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, làm đơn xin lập Hội ủng hộ Đảng và Nhà nước làm việc này thì không những bị "triệu tập" mấy ngày mà điện thoại bị cắt luôn. Bà xã tôi và các cháu ra xin đăng ký tên cũng không được phép. Và cũng Hiến pháp nước ta, điều 72, ghi rõ : "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật". Vậy mà Chính phủ ta có Nghị định 31/CP cho phép UBND địa phương "quản chế" công dân không cần xét xử. Hiện nay, các nhà trí thức Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Trần Khuê... đang bị quản chế theo Nghị định này. Ngày 09/01/2002, anh Nguyễn Khắc Toàn bị bắt, đến nay chưa biết tội gì. Vừa qua, Luật sư trẻ Lê Chí Quang - tác giả bài "Hãy cảnh giác với Bắc Triều" viết về vụ ký kết Hiệp định biên giới và vùng biển Việt - Trung cũng bị bắt 21/2/2002.

Do đó, nếu tôi có lại được "triệu tập" hay "quản chế" thì bà con cũng đừng lạ. Tôi đã chuẩn bị chờ đợi ngày đó.

Tóm lại, mục tiêu của tôi tự ứng cử Quốc hội là chỉ để có thể may ra được thông tin cho bà con khối phố việc trên thôi mà !

Xin cảm ơn sự quan tâm của các bạn.
 Phạm Quế Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét