Yêu nước qua mạng: Tại sao lại phê phán?


[  Có thể đi quân dịch (nghĩa vụ quân sự) qua mạng không ? ]
Bức ảnh được nhiều "cư dân mạng" sử dụng làm ảnh bìa Facebook
Hoàn cảnh thời đại đã khác, do đó cách biểu đạt lòng yêu nước cũng phải có những thay đổi. "Yêu nước qua mạng" cũng là một cách thể hiện khác biệt, mới mẻ của thế hệ trẻ.
Lòng yêu nước là một khái niệm có tính lịch sử, thời nào cũng có, cũng cần nhưng lại được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, phù hợp với đòi hỏi và điều kiện khách quan của xã hội từng thời kỳ nhất định. Tùy từng thời mà có khi "ái quốc" phải gắn liền với "trung quân", có khi là "trung với nước, hiếu với dân" và "sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì tổ quốc", v.v...

Ở xã hội hiện đại, thông tin đang trở nên ngày càng cập nhật nhanh chóng, rộng rãi, những người Việt trẻ sinh ra và lớn trong một thời kỳ lịch sử mới với những giá trị cuộc sống mới. Kéo theo đó, họ cũng có những cách biểu đạt lòng yêu nước của riêng mình.
Nhưng giới trẻ nói chung và thế hệ 9x nói riêng dường như thiệt thòi khi đang phải chịu những định kiến từ xã hội và thế hệ trước, xuất phát từ một bộ phận không nhỏ những người trẻ vô tình hay cố ý tiếp nhận những văn hóa ngoại nhập không có chọn lọc. Hậu quả của nó là lối sống hời hợt và thực dụng.
Song những biểu hiện mang tính hiện tượng này lại bị khái quát thành đặc trưng cả một thế hệ, dẫn đến những những báo động thiếu căn cứ và bi quan quá mức. Bất chấp những cố gắng mà giới trẻ đang biểu hiện, có một định kiến phổ biến là lòng yêu nước của thế hệ trẻ bị lu mờ bởi những cám dỗ của cuộc sống hiện đại.
Lòng yêu nước của giới trẻ Việt chưa được kiểm chứng qua hoàn cảnh chiến tranh, súng đạn, nhưng ít nhiều cũng được thể hiện rõ trước những biến cố lớn của dân tộc. Chẳng hạn gần đây là quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp (10/2013) và hành động xâm phạm chủ quyền VN của TQ vừa qua. Qua đó, chúng ta thấy được thông điệp về lòng yêu nước mà thế hệ trẻ gửi đến xã hội.
Hoàn cảnh thời đại đã khác, do đó cách biểu đạt lòng yêu nước cũng phải có những thay đổi. "Yêu nước qua mạng" cũng là một cách thể hiện khác biệt, mới mẻ của thế hệ trẻ, có ưu thế trong lan truyền và quan trọng hơn thế, nó phù hợp với những thói quen của thế hệ.
Cách biểu đạt đó có thể là đơn giản như việc chia sẻ đồng loạt hình ảnh Đại tướng nắm chặt tay thể hiện tinh thần quyết thắng, cùng lá cờ Tổ quốc gắn băng đen trong ngày quốc tang Người. Hay hình ảnh những bàn tay đan chặt vào nhau tạo nên hình ngôi sao, chiếc thuyền chiến ẩn hiện trên nền cờ đỏ thắm được đồng loạt đổi thành hình đại diện trên mạng xã hội. Hay những dòng trạng thái thể hiện sự phẫn nộ, lên án hành động của TQ và sẵn sàng "lên đường khi Tổ quốc cần", v.v...
Những việc làm đó không phải chỉ là phòng trào, vô nghĩa. Bởi nếu chẳng có một tâm niệm nào về lòng tiếc thương vô hạn khi người anh hùng dân tộc nằm xuống và đau đáu khi một phần máu thịt của Tổ quốc bị chà đạp, thì sẽ không có những bức ảnh, những dòng trạng thái đầy trăn trở như thế.
Ý nghĩa của "yêu nước qua mạng" không thể đo trên những kết quả hiện hữu, có thể đong đếm được. Nhưng giá trị mà nó mang lại là sự cổ vũ tinh thần, là thôi thúc sự đoàn kết và biểu đạt sự phẫn nộ đến cao độ trước thái độ ngang ngược của hàng xóm "bốn tốt", tạo cơ sở cho hành động thực tiễn. Ngoài ra, nó cũng là cách lan truyền thông điệp và thể hiện quan điểm rất hữu hiệu ra bên ngoài khi mà giờ đây toàn thế giới đã kết nối với internet, với mạng xã hội.
Tuy nhiên, những thành kiến sẵn có đang gắn cho cách biểu hiện yêu nước này những cái mác như "ếch ngồi đáy giếng", "anh hùng bàn phím", "lý thuyết suông"... Hoặc bị mỉa mai rằng bày tỏ yêu nước khi đang  "ngồi điều hòa, ăn gà rán và uống Coca", hay "được mấy người ra trận khi Tổ quốc cần", v.v...
Cách đánh giá này có quá bất công? Trong lịch sử, chúng ta từng chính thống phát động những hoạt động thuần tính tinh thần như: gấp hạc giấy, viết thư cho bộ đội Trường Sa, làm thơ về biển đảo... để hưởng ứng, cổ vũ lòng yêu nước. Trong khi đó, cũng nhằm truyền tải những thông điệp về lòng yêu nước và đoàn kết dân tộc, yêu nước qua mạng lại bị cho là hành động vô ích, sáo rỗng, và thậm chí bị quy kết là biểu hiện cho sự thờ ơ của thế hệ trẻ với vận mệnh của quốc gia khi thực hiện nó như một phong trào.
Mọi người không nhìn nhận một cách tích cực rằng yêu nước qua mạng sẽ là một sức mạnh tinh thần đồng hành cùng với những biểu hiện yêu nước khác. Tất nhiên, nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi trở thành nền tảng cho những hành động thiết thực, như trau dồi bản thân để ngày càng hoàn thiện, tự tin, xây dựng đất nước giàu mạnh và vươn ra biển lớn, như lên đường khi Tổ quốc cần, v.v...
Chúng ta cần có một niềm tin để giới trẻ sống và chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ. Cũng như cần có  sự tôn trọng, cái nhìn tích cực đối với cách biểu hiện yêu nước của giới trẻ, để nuôi dưỡng, cổ vũ, nhân rộng những hạt mầm tốt lành đó. Có như vậy nhân tâm cả nước, không phân biệt già trẻ, sang hèn... mới kết tụ thành sức mạnh đồng nhất trong hoàn cảnh Tổ quốc nguy biến.

Phong Trần

2 nhận xét:

  1. Không những thế hệ trẻ thôi, mà toàn thể dân chúng còn biết phải làm gì ngoài chuyện bày tỏ sự phẫn nộ của mình trên mạng trước kẻ thù ngày càng hung hăng trên biển, khi mà lòng yêu nước dường như đã là độc quyền, đã được bao cấp?!
    "Hãy cứ làm việc tốt đi để thể hiện lòng yêu nước" ư? Ai dám bảo rằng một ai đó làm "anh hùng bàn phím" thì không làm tốt công việc của mình?!
    Một khi việc biểu lộ lòng yêu nước và phẫn uất trước sự ngang ngược của giặc ngoại xâm bằng hành động cụ thể và trực tiếp nhất ngoài xã hội đã không được phép, thì việc yêu nước trên mạng đã là một hành động tích cực rồi!
    Còn hơn là tỏ thái độ thờ ơ mà lẽ ra người ta rất dễ bị mắc phải khi mà trăm sự đã có "người" lo!

    Trả lờiXóa
  2. TRUYỀN ĐƠN TỐ CÁO.
    TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHẬN HỐI LỘ 100 LƯỢNG VÀNG ĐỂ DUNG TÚNG BAO CHE CHO NHỮNG TỘI ÁC CƯỚP CỦA - GIẾT NGƯỜI.
    Nay đã có 3279 số lần xem trang.

    Trả lờiXóa