Nguyễn Thanh Giang


VIẾT NHÂN NGÀY SINH NHẬT THỨ 36 CỦA NHÀ BÁO NGUYỄN VŨ BÌNH
VÀO một sáng hừng hực đầu mùa hạ năm Giáp Thân (ngày 5 tháng 5 năm 2004), tại Hà Nội. Lời tuyên bố trên đã dõng dạc vang lên trong phiên tòa xử nhà trí thức trẻ ngoan cường Nguyễn Vũ Bình Nguyễn Vũ Bình sinh ngày 02 tháng 11 năm 1968 tại Hành Thiện, Nam Định. Anh tốt nghiệp khoa Kinh tế - trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trở thành nhà báo tại Tạp chí Cộng sản. Sau 8 năm công tác, anh bị đuổi khỏi biên chế nhà nước chỉ vì cái tội dám nộp "Đơn xin thành lập đảng Tự do-Dân chủ".




Không có điều kiện tìm hiểu quá trình hình thành nhân cách của chàng thanh niên đã lớn lên trên một miền quê có nhiều nhà cách mạng như Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ, Đinh Đức Thiện ... (không nói đến những tha hóa, sai lầm sau này mà tưởng niệm về cái lý tưởng ban đầu đuổi giặc ngoại xâm, xóa bỏ áp bức bất công của các ông), chỉ điểm qua những hành động dũng cảm, những phát biểu rất trí tuệ và đầy trách nhiệm qua một số trang viết cũng đủ thấy cái sức nghĩ lớn lao, cái bản lĩnh cao cường của con người ưu thời mẫn thế này.
Từ những bức xúc, trăn trở ...

Theo Nguyễn Vũ Bình, "Có thể khái quát trạng thái hiện nay của tình hình đất nước ta là : bế tắc về đường lối, đình trệ về kinh tế và dồn nén về xã hội".(1)
Thật vậy, về sự bế tắc đường lối, không chỉ Nguyễn Vũ Bình mà tất cả những đầu óc tỉnh táo đều dễ dàng nhận thấy : "Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một khái niệm rất mâu thuẫn. Chủ nghĩa xã hội, với tư cách là một thể chế xã hội (theo định nghĩa kinh điển), là một chế độ mà về mặt kinh tế phải xây dựng trên cơ sở công hữu hóa về tư liệu sản xuất, quản lý tập trung và kế hoạch hóa..., rõ ràng mâu thuẫn với kinh tế thị trường" (1). Song, vì cứ phải đa đoan, vướng víu với tôn chỉ mục đích "Định hướng xã hội chủ nghĩa" nên Đảng cứ phải ngoan cố duy trì chủ trương ưu tiên bằng mọi giá để giành vai trò chủ đạo cho kinh tế quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước. Nguyễn Vũ Bình thì khẳng định rằng : "Với quan điểm kinh tế nhà nước (nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước) giữ vai trò chủ đạo, nền kinh tế Việt Nam không thể phát triển được. Trên thế giới chưa có một nước nào mà doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả" (1). Anh đưa dẫn liệu cụ thể để chứng minh hiện tượng "ăn tàn phá hại" của DNNN. "Phần lớn lượng vốn xã hội đầu tư vào khu vực DNNN không có hiệu quả. DNNN sử dụng hơn 80% lượng vốn xã hội, giữ vai trò quan trọng trong sản xuất và đóng góp vào ngân sách nhà nước nhưng khả năng tích luỹ còn rất hạn chế. Trên thực tế, tổng số nợ của DNNN năm 1999 đã lên tới khoảng 200 000 tỷ đồng"(1). 

Bế tắc nhưng không dám tự sám hối để tìm đường mới tiến lên mà cứ phải quanh co, biến báo qua chủ trương "Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước", Nguyễn Vũ Bình thẳng thắn chỉ rõ : "Với quan điểm kinh tế nhà nước mà nòng cốt là DNNN giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, một điều hiển nhiên là nếu những doanh nghiệp này làm ăn có lãi (có hiệu quả) thì chúng ta sẽ không bao giờ bán (cổ phần hóa) chúng. Ngược lại, những doanh nghiệp thua lỗ, thử hỏi, nếu bán chúng thì ai mua ? DNNN được ưu tiên, ưu đãi mọi điều kiện mà còn làm ăn thua lỗ thì ai là người có khả năng kinh doanh hiệu quả trong môi trường hiện nay ? Còn nếu dùng tỷ lệ vốn khống chế của nhà nước thì bản chất nó vẫn là DNNN và không thể có hiệu quả. Một chính sách mà mâu thuẫn ngay từ trong lý luận thì làm sao thực hiện được trên thực tế !" (2)
Lẽ ra phải chính thức thừa nhận sự tồn tại cần thiết của kinh tế tư nhân và có các chủ trương chính sách cởi mở tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển từ sớm hơn. Bởi vì, thực tế đã cho thấy, kinh tế tư nhân là động lực phát triển của tất cả các nền kinh tế thị trường phát triẻn trên thế giới. Khu vực này không phát triển thì nền kinh tế cũng không phát triển được. Anh nóng lòng vạch ra 3 nguyên nhân quan trọng làm cho khu vực kinh tế tư nhân không phát triển được là : 

1) Không thừa nhận sở hữu tư nhân, dẫn tới việc tư nhân kinh doanh không được bảo đảm và bảo vệ bằng pháp luật.
2) Kinh tế thị trường chưa chín muồi (chưa tạo lập đầy đủ và đồng bộ các thị trường), chưa có hệ thống pháp luật cho kinh tế thị trường phát triển, dư luận đối với kinh tế tư nhân còn nhiều nặng nề, định kiến (mãi sau này ta mới có những hoạt động biểu dương và tôn vinh các nhà doanh nghiệp và mới đây, ngày 13 tháng 10 hằng năm mới được chọn là ngày Doanh nghiệp Việt Nam).
3) Sự méo mó của hoạt động sản xuất kinh doanh do việc ưu tiên quá mức cho các DNNN.
Những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội không cho phép thiết chế một nền kinh tế thị trường đích thực và vũng mạnh do đó không thể không gây nhiều trắc trở trong tiến trình hội nhập tất yếu. Nguyễn Vũ Bình tiên đoán : "Để thu hút vốn, kỹ thuật và trình độ quản lý cho phát triển kinh tế thì hội nhập là yêu cầu nhất thiết đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Song hội nhập lại đòi hỏi các nền kinh tế phải đáp ứng đầy đủ những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Và bất kỳ nền kinh tế nào đi ngược lại hoặc chưa bảo đảm về cơ bản các nguyên tắc thị trường thì đều bị tổn thương trong quá trình hội nhập" (1). Lời phán bảo này, Nguyễn Vũ Bình viết từ năm 2000. Quả nhiên, chỉ sau đó mấy năm nó đã ứng nghiệm nhỡn tiền vào mấy vụ kiện tôm và cá basa làm cho ta bị xiểng liểng.
Bế tắc về đường lối như trên dẫn đến nhiều tai họa cho đất nước, trước hết là đình trệ về kinh tế. Những người lãnh đạo thường đem chỉ tiêu tăng trưởng cao ra để tự khích lệ và làm vũ khí tuyên truyền. Bằng tri thức của nhà kinh tế, Nguyễn Vũ Bình phân tích : "Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế có một khuyết điểm rất lớn là nó không chỉ cho người ta biết được khả năng thanh toán hay khả năng trả nợ của một nền kinh tế mà đây là điểm quan trọng nhất. Tôi hình dung nền kinh tế Việt Nam như một quỹ tín dụng nhân dân khỏng lồ (dân gian gọi là chủ hụi) chưa bị vỡ nợ. Đặc điểm của những quỹ tín dụng này là khả năng che đậy thực lực tài chính bằng phương pháp vay của người sau, trả cho người trước và nó chỉ bị vỡ tung khi bị phát hiện hoặc không vay được nữa. Theo số liệu công bố chính thức, tổng số nợ của nước ta là 11 tỷ USD, nhưng số thực có thể là gấp rưỡi hoặc gấp đôi (xấp xỉ 20 tỷ USD), tức là số nợ tương đương hoặc bằng 2/3 tổng sản phẩm quốc nội của nước ta" (1)
"Vấn đề đói nghèo cũng có kịch bản tương tự. Đằng sau những con số mỹ miều về thành tích xóa đói giảm nghèo là cuộc sống cùng cực của những người công nhân, nông dân, những người lao động. Bởi vì những con số chỉ phản ánh được mức tăng đơn thuần về lượng của thu nhập mà không biết tới một chu kỳ "tiêu dùng mới "của toàn xã hội trong những năm qua". Trong 10 năm (1990 - 1999) qua, chúng ta đã bước sang một chu kỳ tiêu dùng mới với những chi tiêu cho giáo dục, y tế, những khoản đóng góp mới, với những chi tiêu cho những hủ tục ở nông thôn mới trỗi dậy và những khoản tiêu cực phí cho bất kỳ công việc nào... Những con số tăng lên nhỏ nhoi về thu nhập liệu có lấp đầy những chi phí phát sinh trong chu kỳ tiêu dùng mới của những hộ đói nghèo ? (1) 

Đánh giá về công trạng của Đảng đối với đất nước, Nguyễn Vũ Bình thấy cả hai mặt : 

"Được : Độc lập dân tộc. 

Mất : 1) hy sinh khoảng 4-5 triệu người, thương tật cũng khoảng con số đó ; 2) Việt Nam là một trong vài chục nước nghèo nhất thế giới ; 3) Nền tảng đạo đức bị phá hủy nghiêm trọng" (4). Ngày nay, bế tắc về đường lối còn dẫn đến một hệ quả đau lòng hơn là nó làm cho "những nền tảng cơ bản của xã hội Việt Nam đã bị phá hủy hoàn toàn"(1). 

Anh cụ thể hóa khái luận này như sau :
 "Tính trung thực xã hội đã bị phá hủy hoàn toàn ... Sự không trung thực bắt nguồn từ hệ thống chính trị, thẩm thấu vào hệ thống quản lý và lan tỏa ra toàn xã hội. Một đặc trưng của xã hội hiện nay là không ai dám nói thật và rất sợ sự thật ... 

Đạo đức xã hội đã bị phá hủy nghiêm trọng. 
Những quan hệ xã hội, trong đó quan hệ con người với con người là cơ bản, và quan hệ tình cảm hợp thành nền tảng đạo đức xã hội bị phá hủy nghiêm trọng bởi sự ra đời và lên ngôi của một thứ quan hệ "đồng chí" ... tồn tại bằng một sự lên gân và tiêu diệt các mối quan hệ khác...
Những giá trị xã hội và thước đo giá trị xã hội đã bị đảo lộn do sự can thiệp sâu rộng của chính trị vào tất cả các lĩnh vực và trên mọi phương diện ...
Con người bị tha hóa ... người ta không được phép nói ra những điều mình suy nghĩ, hành động theo những gì người ta cho là đúng, tức là mình không phải là mình. Có người nói rằng, con người ngày nay là con người nhị nhân cách nhưng theo tôi thì những người nhị nhân cách đó là những người không có nhân cách. Làm sao mà có nhân cách được trong khi tất cả các phát biểu chính thức, những cuộc họp, hội thảo, anh nghĩ một đàng lại nói một nẻo" (1)
Nguyễn Vũ Bình chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến những dồn nén xã hội.
Một là : do điều kiện sống, sinh hoạt khổ cực của nông dân và công nhân. Nông dân bị huy động đóng góp quá mức (thời điểm Nguyễn Vũ Bình bàn luận, nông dân, tùy theo từng địa phương, bị đóng góp từ 13 đến 21 khoản, chiếm tới trên dưới 70% thu nhập).
Hai là : bất công giữa phân hóa giàu nghèo, giữa nông thôn và thành thị ngày càng sâu sắc. Trong khi những người nông dân ở nông thôn và những người công nhân phải vật lộn rất vất vả với cuộc sống khổ cực thì những người có quyền có chức câu kết với gian thương hình thành một tầng lớp tư bản đó ăn tiêu quá phè phỡn.
Ba là : cảm nhận về sự bế tắc đối với tương lai. Công nhân, nông dân nhiều người mù mịt trong khả năng tìm kiếm việc làm và xây dựng cuộc sống. Trí thức không thấy được triển vọng đất nước phát triển lành mạnh và bền vững.

... Đến quyết định đệ đơn thành lập đảng Tự do - Dân chủ 

Từ những nhận định trên đây, Nguyễn Vũ Bình cho rằng đất nước Việt Nam nhất định cần phải có biến đổi mạnh mẽ. Có 3 kịch bản :
Hoặc là, sự sụp đổ về kinh tế dẫn tới động loạn xã hội và thay đổi về chính trị (như ở Albani và Indonesia). Nguyễn Vũ Bình cho rằng tình huống này khó xảy ra bởi khả năng can thiệp và tinh thần cảnh giác cao của Nhà nước trước những biến động kinh tế.
Hoặc là có sự thay đổi chế độ bắt nguồn từ sự thay đổi đường lối chính trị do những người lãnh đạo cao nhất khởi xướng. Nguyễn Vũ Bình loại bỏ hoàn toàn khả năng này vì cho rằng : "Tất cả sự lựa chọn và thay đổi khó khăn nhất của ĐCS tập trung vào hai điểm mấu chốt là DNNN và chống tham nhũng. Nếu từ bỏ được quan điểm DNNN giữ vai trò chủ đạo, đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế tư nhân, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế của đất nước và chống tham những, đồng nghĩa với việc làm trong sạch Đảng và lấy lại được uy tín trước nhân dân ... Nhưng than ôi ! điều đó nằm ngoài khả năng hiện thực. Bởi vì loại bỏ DNNN cũng chính là từ bỏ lợi ích sống còn của tầng lớp lãnh đạo, lợi ích được bao phủ bởi vẻ đẹp huyền ảo (không ai hiểu được) của định hướng XHCN, của con đường đi lên CNXH hiện nay. Còn chống tham nhũng ư ? Tham nhũng ở Việt Nam là phương thức tự tồn tại của tất cả những người có điều kiện tham nhũng" (1)
Trong thư gửi Bộ Chính trị ngày 20 tháng 9 năm 2000, anh thẳng thắn bày tỏ sự bất tín đối với Đảng : "Ở đây có 3 tầng lợi ích riêng và tương ứng là 3 tầng sự nghiệp chung. Một là, chưa sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho đơn vị, cơ quan mình. Hai là, chưa sẵn sàng hy sinh lợi ích của tầng lớp lãnh đạo cho sự nghiệp chung của Đảng. Ba là, chưa sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của Đảng cho lợi ích chung của đất nước, dân tộc" (2). "Với cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tất cả những tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, vô trách nhiệm không thể nào diệt trừ được tận gốc để làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, bây giờ chỉ cần gắn trách nhiệm cá nhân với tất cả mọi công chức, đảng viên, nhà lãnh đạo, nhà quản lý vào công việc hàng ngày, hàng giờ của họ thì mọi việc sẽ được giải quyết êm đẹp. Nhưng có lẽ tôi nhầm, bởi vì trong tình hình hiện nay, nếu gắn trách nhiệm cá nhân như vậy, phần lớn mọi người sẽ bỏ nhiệm sở và tổ chức. Đối với đảng Cộng sản cũng tương tự, thực chất Đảng không phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng nào" (2).
Anh càng tỏ rõ sự bất tín và phản ứng quyết liệt trước hành động cắt nhượng đất đai, lãnh thổ một cách tội lỗi của Đảng : "Đối với giới lãnh đạo hiện nay, một tâm lý và phong cách ứng xử phổ biến là chỉ quan tâm đến phạm vi, lĩnh vực và đơn vị mình quản lý để làm sao không xảy ra sự cố nào có thể ảnh hưởng tới chiếc ghế quyền lực hiện tại và khả năng thăng tiến trong tương lai. Ngoài ra người ta không quan tâm tới những gì xảy ra trước khi tiếp nhận và sau khi thay đổi đối tượng quản lý. Hay nói cách khác, với sự tha hóa nhân cách và cảm nhận sự bế tắc của tương lai, thực chất giới lãnh đạo hiện nay không có trách nhiệm gì trước vận mệnh của dân tộc cũng như không hề đại diện quyền lợi của nhân dân. Chính với lối suy nghĩ như vậy về trách nhiệm mà ban lãnh đạo đảng Cộng sản đã ký kết hiệp định biên giới vừa qua" (5)
Nguyễn Vũ Bình kỳ vọng ở phương án thứ ba với các tình huống : sự gia tăng mức bức xúc của cả ba yếu tố : khó khăn về kinh tế, sự dồn nén xã hội, sự phân hóa của các tầng lớp lãnh đạo mở đường cho sự xuất hiện lực lượng đối lập.
Anh quả quyết, sẽ không còn con đường nào khác, "ĐCS Việt Nam phải có một quyết tâm và một sự hy sinh cực kỳ to lớn nhưng cần thiết. Đó là ĐCS cần tự đặt mình vào thử thách sống còn trước khi bị xã hội làm điều đó... và tôi tin rằng, nếu ĐCS thực sự vì dân, vì nước, thực sự muốn lấy lại lòng tin của nhân dân để tiếp tục lãnh đạo dất nước thì quyết định duy nhất đúng hiện nay là từ bỏ độc quyền lãnh đạo, thực hiện đa nguyên tư tưỏng, đa đảng đối lập".(1)
Nguyễn Vũ Bình không chỉ rất lý trí, anh còn là một người "ưa hành động" (3). Bài "Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang - một tấm gương đấu tranh cho tự do và dân chủ" của anh được kết thúc bằng câu : "Tôi cho rằng đã đến lúc phải hành động chứ không chỉ bàn luận và góp ý". Đấy vừa là lời phê phán vừa là tuyên bố của anh.
Trong bài trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 15 tháng 6 năm 2002, anh nói : "Tôi nghĩ rằng việc viết là rất quan trọng nhưng tôi không cho rằng đấy là vấn đề quan trọng nhất đối với tôi. Vấn đề quan trong nhất đối với tôi là hình thành được một lực lượng đối lập và manh nha của nó là một tổ chức công khai... Đó là vấn đề thiết tha nhất của tôi từ khi tôi bắt đầu tham gia đấu tranh cho đến bây giờ và tôi tin là sau này cũng vậy" .
Và anh đã hành động quyết đoán.
Ngày 2 tháng 9 năm 2000, anh đệ trình tờ đơn sau dây :
Đơn xin thành lập đảng Tự do - Dân chủ
Kính gửi : Ông Trần Đức Lương Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam đồng kính gửi ông : Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tên tôi là : Nguyễn Vũ Bình, phóng viên Tạp chí Cộng sản, thường trú tại số nhà 26, tổ 67b, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng- Hà Nội.
Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình đất nước, tôi có nhận thức rằng Việt Nam hiện nay đang đứng trước một cuộc tổng khủng hoảng toàn diện về kinh tế, chính trị và xã hội (Tôi xin gửi kèm một bài, viết về vấn đề này). Theo nhận định của tôi, trong tương lai không xa nữa, sẽ có một sự thay đổi lớn của lịchsử đất nước và đó chính là sự thay đổi về chế độ xã hội. Việc có một lực lượng đối lập, mà đại diện là một chính đảng trong lòng xã hội hiện nay là yêu cầu bức thiết và tất yếu để giảm thiểu những tổn thất mà nhân dân phải gánh chịu trong quá trình thay đổi. Trên cơ sở nhận thức như vậy, tôi mạnh dạn làm đơn này đề nghị và kính mong các Ông, vì tương lai đất nước, vì lợi ích dân tộc, cho phép tôi thành lập đảng Tự do-Dân chủ
Tôi xin chân thành cảm ơn
Anh bộc bạch về động cơ đứng ra thành lập đảng : "Tôi vì Tôi là một phần (mà các Ông cho là như người đốt đền), Tôi vì nhân dân, đất nước một phần (Tôi cho là phần lớn), mà Tôi cũng vì cả đảng Cộng sản Việt Nam nữa" (2). "Tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là làm sao góp phần giảm thiểu tối đa những tổn thất mà nhân dân phải gánh chịu nảy sinh từ bước chuyển biến đau đớn nhưng đầy vinh quang sắp tới. Lý do cũng rất đơn giản, một thay đổi lớn của lịch sử nếu không có sự chuẩn bị về tinh thần của nhân dân sẽ rơi vào hỗn loạn, dẫn tới hậu quả khôn lường cho xã hội. Chính vì vậy, cần có một lực lượng đối lập ngay trong lòng xã hội hiện nay để một mặt, thúc đẩy tất cả các yếu tố sẵn có đi tới chín muồi, và mặt khác, cùng với thời gian và sự thay đổi, tạo ra một nền tảng vững chắc cho một cơ cấu dân chủ trong tương lai" (1).
Về tôn chỉ, mục đích : "Đảng Tự do-Dân chủ có mục đích tự thân là đấu tranh cho Tự do cá nhân và Dân chủ xã hội ... Mục tiêu cơ bản và lâu dài của đảng Tự do - Dân chủ là xây dựng một xã hội : Nhân dân tự do - giàu có, Quốc gia hùng mạnh, Xã hội dân chủ - công bằng - văn minh" (1).
Anh nhấn mạnh cả Tự do cá nhân và Dân chủ xã hội vì cho rằng : "Tự do là cứu cánh phát triển. Một cá nhân hay một dân tộc xét cho cùng sự hơn kém phụ thuộc vào khả năng sáng tạo, mà tiền đề của sự sáng tạo là tự do. Dân chủ là phương thức xã hội bảo đảm cao nhất tự do của con người, và trên nền tự do, mỗi một cá nhân phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình để thúc đẩy xã hội tiến lên" (4).
Anh phác họa tiền đề, nội dung và điều kiện cho sự phát triển đất nước là : "Dân chủ hóa xã hội, Xây dựng nền kinh tế hiện đại và phát triển, Quốc tế hóa mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ... Dân chủ hóa xã hội là phải thừa nhận những quyền cơ bản của con người, quyền công dân mà bất kỳ chế độ dân chủ nào cũng phải thừa nhận. Đó là quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc, quyền được tự do ứng cử và bầu cử. Mặt khác, cần xây dựng hệ thống luật pháp làm nền tảng cơ bản cho chế độ chính trị dân chủ ... Xây dựng nền kinh tế thị trường mà trong đó quyền tư hữu tài sản là nền tảng phát triển, quyền sở hữu trí tuệ là động lực phát triển ..." (1) "... xóa bỏ cơ chế cũ (cơ chế kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp và sự biến dạng của nó dựa trên sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản), xây dựng các thiết chế dân chủ. Điều này có thể là đúng nhưng hoàn toàn chưa đủ, tất cả những thay đổi trên phải dựa vào sự thay đổi về tâm lý và văn hóa dân tộc mới bảo đảm sự phát triển ổn vững trong tương lai" (4).
Người ta thường phân chia các nước dân chủ trên thế giới thành hai nhóm nước : dân chủ tự do và dân chủ tuyển cử. Các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp ... thuộc về dân chủ tự do. Phần lớn các nước khác tuy cũng có đầy đủ các thiết chế dân chủ, nhưng nền kinh tế chưa phát triển thường thuộc về dân chủ tuyển cử. Nguyễn Vũ Bình nghiêng về chế độ dân chủ đại nghị vì anh cho rằng : "chế độ dân chủ đại nghị dựa trên cơ chế tản quyền sẽ phát huy tối đa tiềm năng cũng như đem lại tất cả phúc lợi cho người dân ... phúc lợi mà một chế độ dân chủ tản quyền đem tới như sự phát triển đồng đều ở tất cả các khu vực, giảm thiểu những thủ tục hành chính của cơ chế tập trung, loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực của giới quân nhân đối với sinh hoạt chính trị ..." (4)
<!--[if !supportLineBreakNewLine]-->
<!--[endif]-->
Và tai họa ập xuống
 
Tháng 12 năm 2000 Nguyễn Vũ Bình bị đình chỉ công tác ở Tạp chí Cộng sản và bị đuổi khỏi biên chế nhà nước. Ngày 20 tháng 7 năm 2001, công an xộc đến khám nhà, tịch thu tài liệu, bắt anh lên đồn thẩm vấn nhiều ngày. Điện thoại nhà anh bị cắt. Sau đó đúng một năm, anh bị tống giam thực sự. Phiên tòa sơ thẩm mở ngày 31 tháng 12 năm 2003 ghép anh vào tội gián điệp theo điều 80 Bộ Luật Hình sự với mức án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế. Ngay sau đó, anh đã gửi đơn kháng án. Phiên tòa phúc thẩm mở ngày 5 tháng 5 năm 2004 vẫn y án sơ thẩm mặc dù trong phiên xử anh đã bác bỏ mọi điều luận tội vô lý và các luật sư đã biện giải hết sức thuyết phục.
Luật sư Trần Lâm tranh luận : "Theo điều 80 BLHS muốn kết tội một người làm gián điệp thì phải chứng minh đủ rõ người đó đã làm tay sai cho nước ngoài, làm theo sự chỉ đạo của nước ngoài ... Nước ngoài ở đây phải hiểu là một nước khác, một quốc gia khác, phải là đại diện của một chính phủ hay là một tổ chức tình báo, chứ không phải một công dân của nước đó, càng không phải là một ngoại kiều nào đang sống ở nước đó". Bản án gian trá, bất nhân còn làm luật sư không thể không bình luận một cách hài hước : "Những Việt kiều ở Canada, ở Úc ... ở khắp nơi trên thế giới đều là người nước ngoài, vậy thì Nguyễn Vũ Bình làm gián điệp cho năm châu bốn biển, cho khắp thế giới à ? !"
Luật sư Đàm Văn Hiếu biện minh rõ hơn : "Tin tức, tài liệu đã cung cấp, theo lời khai của Nguyễn Vũ Bình chỉ là trao đổi quan điểm về dân chủ với cá nhân đó, chứ không có gì liên quan đến an ninh hay bí mật quốc gia ... Một điều đáng chú ý nữa là : Hoạt động của bọn gián điệp bao giờ cũng lén lút, kín đáo, bí mật, tránh để nhà nước và mọi người phát hiện. Còn Nguyễn Vũ Bình lại công khai tuyên bố quan điểm của mình về dân chủ, nhân quyền và chống tham nhũng. Không hề lén lút, dấu diếm. Các bài viết của Bình đều để trên bàn làm việc, không hề cất dấu khi bị khám xét nhà. Không những thế, Bình còn đường hoàng gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội lá đơn xin thành lập đảng Tự do - Dân chủ với tư cách là một lực lượng đối lập ... Như vậy, việc làm của Bình là hợp Hiến, đúng với pháp luật nước ta và luật pháp quốc tế. Qua những trình bày ở trên, tôi cho rằng Nguyễn Vũ Bình không phạm tội gián điệp, bản án sơ thẩm xử phạt Bình theo tội danh gián điệp là trái với tinh thần và nội dung của điều 80 BLHS. Tôi đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm".
Cựu viện trưởng Viện Triết học Việt Nam Hoàng Minh Chinh còn quyết liệt hơn : "Tôi - Hoàng Minh Chính - Bào chữa viên nhân dân hợp pháp của bị cáo nhà báo vô tội Nguyễn Vũ Bình chính thức đưa đơn kiện Viện Kiểm sát và Tòa án Thành phố Hà Nội về tội vu khống cho nhà báo Nguyễn Vũ Bình tội gián điệp" .
Vì bất chính và phi nghĩa nên phiên tòa xử Nguyễn Vũ Bình tuyên bố là xử công khai nhưng thực tế rất lén lút. Chỉ có vợ và cha đẻ được vào dự phiên tòa (tuy nhiên, người ta cũng đã dùng thủ đoạn xấu để ngăn trở. Cụ thân sinh Nguyễn Vũ Bình đã ngót nghét 80 lại ở cách xa Hà Nội trên 130 km nhưng chỉ nhận được giấy báo trước một ngày. Đã thế trước khi vào xử, cụ còn bị đe là không nên phát biểu gì trong phiên tòa). Thế là, tất cả anh em ruôt thịt, bạn bè, thân thích, phóng viên báo chí và thông tấn nước ngoài, đại diện các đại sứ quán Hoa Kỳ và Châu Âu ..., rất đông, đều phải đứng ngoài cổng. Tại đây đã xảy ra lộn xộn, ẩu đả. Mấy tên lưu manh (mà ai cũng cho là tay chân của công an) đã xông vào chửi bới, đánh đập và cào rách mặt chị ruột Nguyễn Vũ Bình (trước mặt công an nhưng công an không can thiệp). Các nhà báo nước ngoài động lòng trắc ẩn đã đứng quây thành vòng che chắn cho người đang bị hành hung. Bọn đầu gấu thực thi nhiệm vụ quá tích cực nên đánh nhầm cả vào người nước ngoài. Một nữ phóng viên Châu Âu nhún vai, lắc đầu : "Trước kia người Việt Nam rất đẹp, dũng cảm chống ngoại xâm, bây giờ thì người Việt Nam rất xấu ..."
Cựu ký giả Trường Sơn đã tường thuật và bình luận : "Phiên tòa phúc thẩm đã làm điều thất nhân tâm lại thất chính trị. Thất nhân tâm ở chỗ đã làm mất niềm tin trong nhân dân. Nhân dân không tin vào tòa án, vì pháp luật không được tôn trọng, kết tội bừa bãi, không đủ chứng cứ, do đó càng không tin vào chế độ dân chủ gấp triệu lần tư bản, như lãnh đạo vẫn nói. Nhân dân thì bảo, có mà ngược lại thì mới đúng, nghĩa là chuyên chế và độc tài gấp triệu lần tư bản. Còn thất chính trị ở chỗ, làm nước ta bị cô lập với thế giới. Thế giới thường lên án, chỉ trích Việt Nam vi phạm nhân quyền. Đây lại là một chứng cớ để họ kết tội mình".
Khinh bỉ đến tột độ bọn người chỉ biết úp mặt vào miếng cơm tấm áo, sẵn sàng bán rẻ lương tâm để làm nô lệ cho cường quyền, nhà trí thức Tuệ Minh sỉ vả : "Lũ người máy "đại diện cho pháp luật", được chủ của chúng bấm nút, ngang nhiên phỉ nhổ vào pháp luật. Nói thật, tôi không thể nào gọi họ là "những con người", chỉ trừ một kẻ mà tôi cho rằng còn có thể có chút tính người, đó là kẻ đọc lời tuyên án. Mặt anh ta cúi gầm, không dám nhìn lên. Dường như anh ta cũng nhận thấy chính anh ta mới là kẻ đang làm điều tội lỗi" . 

Kết thúc phiên xử, khi được chánh án cho nói lời cuối cùng, Nguyễn Vũ Bình dõng dạc phủ nhận hoàn toàn phiên tòa và tuyên bố : "Đối với tôi bây giờ chỉ có tự do hay là chết !". Quả vậy, trong tù anh đã tuyệt thực nhiều ngày trước khi được hứa hẹn lừa mỵ rằng sẽ xét lại bản án.
Tuệ Minh, trong bài viết : "Nguyễn Vũ Bình - Ngọn hải đăng trong đêm tối" đã nhiệt thành vinh danh và kêu gọi : "Nước Việt Nam thân yêu của chúng ta đang rất cần một xã hội dân chủ - tự do để phát triển. Chúng ta cần biết bao những con người tham gia tranh đấu cho lẽ phải, cho nền dân chủ của đất nước chúng ta. Trong cuộc đấu tranh gian nan ấy, Nguyễn Vũ Bình xứng đáng là một trong những biểu tượng sáng ngời cho tuổi trẻ noi theo Ngọn hải đăng Nguyễn Vũ Bình đang soi đường cho các bạn".
Riêng tôi, tôi không thể không xót xa, căm giận mỗi khi nghĩ đến cảnh tù đày nghiệt 
ngã, dã man giành cho một con nguời từng khao khát và tin tưởng ở tự do như Nguyễn Vũ Bình. Anh từng viết những dòng có cánh khi trao đổi với một tác giả nước ngoài : "Thưa tác giả, ở Việt Nam đã có chim. Tôi đã nhìn thấy những đàn chim 5 đến 7 con, ở nông thôn nhiều hơn. Cân bằng sinh thái đang trở lại, hy vọng sự cân bằng cũng sẽ trở lại trong tâm hồn người Việt nam" (4).
Tôi càng thương xót hai cháu nhỏ : Thanh Hà và Thuận Linh, con gái Nguyễn Vũ Bình, trong những năm tháng tuổi thơ bơ vơ vắng bố, càng cảm phục Bùi Kim Ngân. Cũng như Vũ Thúy Hà - vợ bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Bùi Kim Ngân đang không những phải "Sầu ôm nặng xếp chồng làm gối" qua đằng đẵng tuổi thanh xuân vò võ mà còn phải nai lưng một mình kiếm sống, nuôi dạy con cái và tháng tháng vượt non trăm cây số đi tiếp tế cho chồng song vẫn tỉnh táo kiên cường đấu tranh chống cường quyền, bảo vệ lý tưởng của chồng, góp sức cổ súy mạnh mẽ cho công cuộc đấu tranh chung vì sự nghiệp dân chủ hóa đất nước. Họ xứng đáng là những nữ anh hùng trên chiến tuyến mới gian nan hôm nay.
Nghĩ về ý chí ngoan cường và sự hy sinh lớn lao của họ : những Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Bùi Kim Ngân, Vũ Thuý Hà ... tôi thường liên tưởng đến Petofi - nhà thơ cách mạng Hungari : 







Tự do và ái tình 
Vì các người ta sống 
Vì tình yêu lồng lộng 
Tôi hiến cả đời tôi 
Vì tự do muôn đời 
Tôi hy sinh tình ái 


Đáng vinh danh biết bao những con người thấy trước hiểm nguy mà vẫn hiên ngang xốc tới : "Tôi biết rằng, có thể tôi sẽ phải hy sinh nhưng vẫn tin tưởng tuyệt đối là : Lịch sử sẽ sang trang, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ được hưởng Tự do và Dân chủ trong một tương lai không xa nữa. Và, trên nền của Tự do và Dân chủ, nhân dân Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới phải kinh ngạc về dân tộc mình, đất nước mình không kém những gì họ đã làm trong lịch sử" (1)
Và vững tin : "Dù có bất kỳ trở ngại nào, dù có ý muốn chủ quan của bất kỳ cá nhân nào, lực lượng nào cản trở, dân tộc Việt Nam vẫn đi tới đích của lịch sử : Tự do của cá nhân và Dân chủ cho toàn xã hội" (1)
Hà Nội, sinh nhật lần thứ 36 của Nguyễn Vũ Bình.
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6- Khu tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn - Từ Liêm - Hà Nội
Điện thoại : 5 534370

Ghi chú :
(1) Việt Nam và con đường phục hưng đất nước
(2) Thư gửi Bộ Chính trị - Một số vấn đề giải trình, bổ sung và kiến nghị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét