Lực lượng đặc nhiệm Việt Nam sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc (Dương Thành Tân)


“…Nếu trên dưới đều đồng lòng áp dụng chiến tranh du kích một cách có bài bản. Nghĩa là lựa chiến đấu ở những nơi mà quân số đông không thể triển khai, chúng ta vẫn có thể ngang nhiên chống cự và làm tiêu hao nhân lực lẫn tài lực của quân địch…”

Thời gian gần đây, nhiều lực lượng đặc biệt trên thế giới được báo chí nhắc đến, nào là Navy SEALs, SAS, Spestnaz, Đặc Công, GIGN… Những lực lượng bí mật đáng lẽ phải "chìm" lại nổi bật làm lu mờ các đơn vị chính quy khác. Ít ai biết rằng đơn vị đầu tiên, tiền thân của những lực lượng đặc biệt trên thế giới, commando, lại được thành lập trong hoàn cảnh đặc biệt… bi đát.

Năm 1940, quân đội Đức Quốc Xã chiến thắng khắp nơi và khống chế cả lục địa Châu Âu. Dân chúng Anh đang lo sợ Quốc Xã Đức vượt biển và tấn công nước mình. Thủ tướng Winston Churchill đã tuyên bố :
- Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng. Chúng ta sẽ bảo vệ nước Anh bằng mọi giá, sẽ chiến đấu tại bãi biển, ngoài ruộng đồng, trong đường phố, trên núi đồi… (1).
Nghe có vẻ khẩu khí anh hùng nhưng vận mạng nước Anh bấp bênh ngàn cân treo sợi tóc. Nước Mỹ dùng dằng ở tư thế trung lập. Nước Anh trơ trọi chống kẻ thù. Sau cuộc lui binh đau đớn ở bờ biển Dunkerque, lực lượng viễn chinh Anh bị mất hầu hết vũ khí nặng. Quân đội Anh chỉ có 3 sư đoàn bộ binh được trang bị đầy đủ và còn khả năng chiến đấu. Những sư đoàn tân lập phải lùng kiếm vũ khí khắp mọi nơi, ngay cả trong viện bảo tàng. Từ đó Thủ tướng Churchill đã ra lệnh thành lập ra những đơn vị đặc biệt, commando.
Trong hoàn cảnh bi đát này, những đơn vị đặc biệt không được trang bị vũ khí như những đơn vị bộ binh tác chiến thông thường: không có pháo binh, thiết giáp và thậm chí ngay cả phương tiện chuyên chở. Nói cách khác, quân đội Anh không có đủ vũ khí để gây dựng quân đội trong hoàn cảnh khó khăn nên đã vá víu sáng lập ra những đơn vị biệt kích Commando, SAS, LRDG...
Lật lại chiến tranh Việt-Pháp, vì quân đội Việt Minh không có vũ khí nặng để công phá những đồn bót nên mới sáng chế ra lối đánh đặc công. Nghĩ cho cùng, những lực lượng "đặc sản" kiểu này ra đời do nhu cầu cấp bách của chiến trường chứ không phải do kết quả nghiên cứu của bộ tổng tham mưu hay từ đầu óc của những tướng lãnh.

Dao găm F&S, biểu tượng nghèo nàn và bi tráng của lính biệt kích, giá 13 shilling! (4,50 €)

Kỳ diệu thay, những đơn vị Commando không có gì lại tạo ra nhiều chiến công bất ngờ, gây lại khí thế cho quân đội Anh vốn bị thua trận liên miên. Hitler viện lý do rằng lực lượng này không đánh trận giống như người khác mà dùng những chiến thuật rất hiểm độc nên đã ra chỉ thị : Gặp là tiêu diệt, có đầu hàng cũng vẫn xử tử !
Lực lượng đặc biệt đảm nhiệm những công tác mà các lực lượng chính quy không có khả năng thi hành : chiến tranh không quy ước, huấn luyện quân đội bạn, viễn thám, đột kích, phục kích, ám sát… Họ không được huấn luyện trong mục đích tham gia vào những trận đánh lớn như những đơn vị bộ binh chính quy cổ điển. Khi tấn công thì chia ra thành những toán nhỏ thâm nhập mục tiêu bằng đường bộ, đường không hay đường thủy vào sâu đàng sau chiến tuyến của đối phương. Lợi dụng yếu tố bất ngờ đột kích rồi bỏ chạy, hit and run. Giải nghĩa một cách ngắn gọn : lực lượng đặc nhiệm là những du kích quân của quân đội được đào tạo bài bản. Hay đúng hơn, họ phải có khả năng bổ túc những ưu điểm mà người du kích đã có sẵn.
Bắt chước du kích là đường lối chiến đấu của lực lượng đặc biệt
Du kích là người chiến đấu trên mảnh đất mình sinh sống nên họ biết từng con đường, căn nhà, góc phố, gốc cây, ngọn cỏ. Người biệt kích thì không. Nên khả năng đầu tiên và cần thiết nhất của một biệt kích là phải biết đọc bản đồ, định hướng, biết mình đang ở đâu dù bất cứ hoàn cảnh nào. Dù trong đêm tối, gặp sương mù, mưa bão hay đang bị rượt đuổi.
Cũng vì chiến đấu từ "sân nhà" nên người du kích không cần gì ngoài súng đạn, bi-đông nước và vài thứ lặt vặt. Trái lại lính biệt kích hoạt động trong môi trường khó khăn nên phải đem theo đủ thứ. Một biệt kích Mỹ hành quân ở Việt Nam đã kể lại :
Tôi mang theo vũ khí cá nhân và đạn dược gồm 1 súng M16, 1 cây súng phà, 1 súng ngắn Browning Hp và con dao găm Gerber. Tôi còn mang thêm 2 trái mìn định hướng claymore chống người, 1 kg chất nổ C4, 6 trái lựu đạn thường, 2 trái lựu đạn lân tinh, 2 trái lựu đạn khói... Mỗi cá nhân còn phải có sẵn 1 hộp băng y tế cá nhân, 7 ngày lương khô, nhiều bình bi-đông đựng nước… Tất cả đồ đạc khoảng chừng 50kg trong khi tôi chỉ nặng 57kg !
Trong thế giới dân chủ, muốn vào lính phải tình nguyện. Nhưng khi gặp kỷ luật khắc khe lẫn cách thức huấn luyện cực nhọc, lắm "chiến binh trong trò chơi điện tử, game’s warrior" vỡ mộng và bỏ cuộc. Tỷ lệ trụ lại được khoảng chừng 1/8. Muốn vào lực lượng đặc biệt thì phải tình nguyện thêm lần thứ hai. Trong cách tuyển chọn của lực lượng SAS và của nhiều lực lượng đặc biệt, mỗi thí sinh phải vượt qua giai đoạn cam go nhất là mỗi ngày phải di hành với ba lô và đọc bản đồ tìm đường. Càng ngày, ba lô càng nặng và lộ trình càng khó. Nếu không theo kịp thời gian ấn định thì sẽ bị trả về đơn vị cũ. Những người vượt qua được sự thử thách này phải có sức khỏe dẻo dai, quyết tâm cao, có khả năng phán đoán trong lúc mệt mõi, giữ bình tĩnh trong những hoàn cảnh hiểm nghèo... Cộng thêm những khó khăn khác, tỷ lệ thí sinh trở thành biệt kích chỉ còn chừng 1/30 ! Dù được nhắc đến nhiều, nhưng quân số của lực lượng đặc biệt lại cực kỳ ít ỏi, chỉ trên dưới 1% quân số trong quân đội. Và lúc nào cũng là hàng hiếm, ngay cả trong những giai đoạn không có chiến tranh.

Giết người, dễ mà khó và quy luật Pareto (2)
Lực lượng đặc biệt thường được xem như là những đơn vị chiến đấu gan lì nhất. Ai đã từng là lính và rơi vào hoàn cảnh sống còn mới thấm được nổi sợ hãi của hành động giết người. Chiến tranh là một thảm kịch thường xảy ra nhưng không tự nhiên. Giết người cũng là một hành động không tự nhiên. Lắm cựu chiến binh Mỹ bị trầm cảm và gặp ác mộng trong thời gian dài. Những người khác tìm đủ cách để né tránh. Phần đông những người khác này có cả ở trong những đơn vị tác chiến. Và điều này đã xảy ra ở bất cứ nơi nào, từ dưới đáy biển đến trên bầu trời.
Trong Thế chiến thứ hai ở Thái Bình Dương, 15% tàu ngầm Mỹ lại đánh chìm hơn 51% tàu Nhật. Bên kia Đại Tây Dương, những tàu ngầm của Đức Quốc Xã cũng đạt kết quả tương tự.
Thời chiến tranh Triều Tiên, trong phi đội lẩy lừng nhất, 51st Fighter Group (Mig Killers), phân nửa phi công chưa từng bắn phát nào. Phần lớn chiến công của đơn vị đó do vài cá nhân tạo thành.
Một tiểu đoàn của Trung đoàn 165 RI trên đảo Makin đã chiến đấu ba ngày đêm liên tục và bị thương lẫn hy sinh rất nhiều. Nhưng chỉ có 36 người mới chiến đấu thực sự, sử dụng nhiều vũ khí khác nhau. Còn những người còn lại chỉ là những kẻ thụ động.
Ngay cả trận tiêu diệt Bin Laden, nếu truy xét kỷ lưỡng, chỉ có 2, 3 cá nhân trong biệt đội Team 6 mới là sát thủ thật sự. Những chiến binh khác chỉ đóng vai phụ. Tướng DePuy, chuyên gia Mỹ về huấn luyện và lý thuyết cũng công nhận :
"Nếu cứ để vậy, chỉ có khoảng chừng 10% chiến binh mới chiến đấu, biết di chuyễn, nổ súng, chọi lựu đạn, vân vân... Còn 90 % khác sẽ chống trả nếu bị bắt buộc. Nếu không thì sẽ chẳng làm gì hết nếu không có người chỉ huy hay không được ra lệnh".
Đi ngược về thời gian, dù đã gia nhập và trải qua 3, 4 binh chủng tác chiến, tôi cũng phải công nhận mình cũng chỉ là một diễn viên phụ. Và tôi rất hài lòng khi đóng vai này : lớn lên với những lý thuyết nhân quả và rành rẽ về quy luật chiến tranh. Nếu hoàn cảnh chiến trường cho phép thì thay vì bắn chết, tôi sẽ bắn cho bị thương. Nếu phải bắn cho bị thương thì tôi sẽ bắn sang bên cạnh. Nếu phải bắn sang bên cạnh thì tôi sẽ hăm dọa.
Nhưng mọi chuyện sẽ khác nếu có kẻ lạ mặt đột nhập vào nhà. Sống trong một quốc gia dân chủ, được pháp luật bảo vệ và có quyền sở hữu súng đạn nên tôi sẽ dùng quyền này tối đa. Cho dù kẻ lạ đột nhập vào nhà để cướp hay ăn cắp vặt thì cũng chẳng mấy quan trọng. Tôi sẽ bắn tiêu diệt kẻ lạ để bảo vệ gia đình. Xong xuôi rồi vẫn có thể quay lại với những công việc bình thường như ru dỗ con ngủ, gọi điện thoại báo nhà chức trách, thay quần áo và uống cà phê trong lúc chờ đợi cảnh sát đến. Và chẳng thấy khó chịu hay hối tiếc gì cả.
Hai thái độ đối nghịch này có thể giải thích được. Trong mỗi người lính có hai điều thiêng liêng nhất là tổ quốc và gia đình. Nếu phải bảo vệ gia đình, thì lúc nào họ cũng cuồng nhiệt hơn bảo vệ tổ quốc. Bí quyết của một đơn vị thiện chiến là thành lập được một gia đình mà tất cả thành viên là những chiến binh cùng sống bên nhau. Một gia đình vì hoàn cảnh. Một người lính chiến đấu trước hết là cho đồng đội của mình. Sự hung bạo của họ chỉ nổi lên khi nhất quyết muốn bảo vệ gia đình - đồng đội của họ chứ không phải vì tổ quốc như truyên truyền. Người du kích chiến đấu để bảo vệ gia đình, họ hàng, xóm làng… Nên không cần nghi ngờ ý chí chiến đấu của họ.
Trên đây chỉ là ba trong nhiều khả năng mà một người lính đặc nhiệm có được sau một thời gian dài luyện tập. Một du kích quân thì khác, vì vừa thuộc địa hình, vừa có ý chí chiến đấu và lại không cần mang nặng trên người, họ theo lối chiến đấu tự nhiên, không cần luyện tập nhiều.

Lính biệt kích là một người phu khuân vác


Những địa đạo Củ Chi trên khắp Việt Nam
Theo ý kiến cá nhân, dân tộc Việt Nam sống sót và tồn tại đến ngày hôm nay nhờ 3 lý do. Thứ nhất là nhờ văn hóa anh hùng, thượng võ. Chúng ta cũng có thể hiểu là tàn bạo, hiếu chiến. Thí dụ như nữ tướng Bùi Thị Xuân bị bắt và bị voi giày, sau đó quan quân triều Nguyễn chia nhau ăn lá gan của bà. Vì ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa với Tam Quốc Chí, Thủy Hữ… nên chuyện giết người là chuyện rất bình thường. Nếu có lý do chính đáng lại càng được khen ngợi. Dù dân Việt Nam không hung bạo hơn những dân tộc Hồi giáo ở Bắc Phi, nhưng hơn xa hai nước láng giềng Campuchia và Lào.
Lý do thứ hai là chúng ta sống ở một vùng đất ngăn sông cách núi với những kẻ thù phương Bắc (Sơn xuyên chi cương vực ký thù). Nhờ vậy dân tộc chúng ta mới sống còn đến ngày hôm nay. Trong một địa thế khó khăn, phe phòng thủ luôn luôn có lợi thế hơn phe tấn công. Tôn Tử Binh Pháp cũng có viết rằng ở một nơi hiểm trở, 1 người con gái yếu đuối vẫn có thể chống cự được 10 người con trai khỏe mạnh. Buồn thay, những chướng ngại vật của thiên nhiên đã bị hai đảng cộng sản Trung và Việt làm cho sông liền sông, núi liền núi. Trung Quốc thì hí hửng trong khi Việt Nam lại u sầu với thực trạng này. Trung Quốc càng làm eo thì chính quyền cộng sản Việt Nam càng nhu nhược. Nhưng dù Việt Nam mất những chướng ngại vật thiên nhiên thì vẫn gặp những chướng ngại vật do con người làm ra : thành phố.
Đảng cộng sản xem địa đạo Củ Chi như một kỳ quan của chiến tranh Việt Nam. Nhưng mọi thành phố của thế giới cũng có thể là những địa đạo Củ Chi. Những đường dẫn nước thải là những đường liên lạc, tiếp tế. Những cao ốc là trạm quan sát, chổ núp để bắn sẻ. Những căn phố là tường thành, một tòa nhà sụp đổ là chướng ngại vật… Chỉ cần có đủ thời gian tổ chức phòng thủ là bên tấn công sẽ gặp muôn vàn kiểu chết. Các quân đội Tây Phương rất sợ chiến tranh trong thành phố vì không thể triển khai vũ khí tối tân và số đông được. Họ đã trưng dụng những ngôi làng bị bỏ hoang. Và công binh đã xây những khu phố y như thật để binh sĩ tập luyện. (Cách đánh trong thành phố gọi là FIBUA ,fighting in build-up area). Dù vậy nếu họ tránh được thì họ vẫn tránh. Trong một cuộc tập trận giả mà tác giả bài này đã tham dự : một trung đoàn bộ binh cùng với một trung đoàn thiết giáp tấn công một ngôi làng được một nhóm trinh sát trấn giữ. Tỷ lệ là 15 người tấn công, 1 người phòng thủ. Sau nhiều ngày và sau khi đã áp dụng tất cả mọi chiến thuật, bộ tham mưu kết luận : Không đánh được vì quân trú phòng có quá nhiều lợi thếCố gắng đánh thì tổn thất sẽ rất nặng.
Không phải tình cờ mà lịch sử có những trận đánh đẫm máu trong thành phố như Moskva, Stalingrad, Bastogne, An Lộc, Quảng Trị… Năm 2004 ở thành phố Falloujah, để tiêu diệt một phiến quân duy nhất, đại đội Thủy Quân Lục chiến Mỹ đã chiến đấu 6 giờ liên tục, tốn hết 30.000 viên đạn, 45 quả pháo xe tăng và 4 trái bom ! Hiện nay, khối NATO cù cưa không đưa bộ binh qua chiến đấu với quốc gia Hồi giáo cũng do lý do này.

Chiến tranh trong thành phố, nơi nguy hiểm và dễ bị phục kích nhất của thế kỷ 21 (Falloujah 2004 )

Áp dụng pháp luật dân chủ để bố trí phòng thủ
Trong thời kỳ chiến tranh, phe cộng sản tuyên truyền rằng mỗi người dân là một người lính. Khẩu hiệu này biến mất sau ngày 30/04/1975. Dù không hô hào, nhưng công dân ở nhiều nước dân chủ lại vừa là cảnh sát, vừa là người lính. (Xin tham khảo bài Cây súng và máy thu hình, sức mạnh của dân chủ). Pháp luật xem bất động sản của tư nhân là một điều thiêng liêng bất khả xâm phạm và cho phép người dân bảo vệ nhà cửa của mình. Nếu có chiến tranh thì nên nới quyền hạn này rộng rãi hơn, cho phép công dân gài cả mìn bẩy, hầm chông trong tư gia và ruộng vườn của họ. Và quyền bất khả xâm phậm này sẽ tuyệt đối hơn, ngay những nhà chức trách cũng không có quyền vào bất động sản của tư nhân. Mặt khác, 5 triệu dân phòng, công an khu vực, an ninh, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động… đang có những tiềm năng làm những chiến sĩ đặc công gài mìn ở những nơi mà họ đang chịu trách nhiệm. (Cũng xin tham khảo thêm bài Phát triển vũ khí chiến lược cho Việt Nam).
Yếu điểm của của du kích và đặc nhiệm
Trong lịch sử đau thương đầy máu lửa của những đơn vị đặc biệt. Phần đông thương vong là vì bị cấp trên sử dụng không đúng sở trường và chiến thuật. Lỗi lầm thường thấy nhất là sử dụng lực lượng đặc biệt như một đơn vị bộ binh và đánh những trận lớn mà không có yếu tố bất ngờ. Sau vỏn vẹn 2 ngày ở trận Normandie năm 1944, chỉ còn 90 biệt kích chiến đấu được trong tổng số 225 Rangers Mỹ. Tết Mậu thân là ngày giỗ của phần đông du kích miền Nam. Biệt cách dù Việt Nam Cộng Hòa hy sinh nhiều nhất trong hai trận Phước Long và An Lộc…
Lỗi lầm thứ hai là không cho phép được rút lui khi những lực lượng này yêu cầu. Nếu vào năm 1968 và năm 1972, ban lãnh đạo cộng sản ra lệnh tấn công rồi cho phép rút lui hay chỉ đánh cầm chừng thì có lẽ họ vẫn thắng trên phương diện chính trị mà không bị thiệt hại binh sĩ nhiều như thế. Pháp mắc sai lầm ở Điện Biên Phủ. Việt Nam Cộng Hòa thất bại ở cứ điểm Charlie…
Có lẽ chiến tranh du kích là kiểu đánh trận tự nhiên và có sớm nhất của nhân loại. Từ khi loài người biết chế tạo vũ khí và biết đi săn. Người lính biệt kích có rất nhiều đặc điểm giống một thợ săn. Đức tính đáng quý nhất của người thợ săn là biết tiếp cận con mồi mà không bị phát giác. Sau đó mới bất thình lình ra tay. Nhưng chỉ cần tích tắc thời gian thì họ sẽ bị đổi vai biến thành những con mồi, bị người khác rượt đuổi. Những chiến binh đặc biệt này phải đảm nhiệm được hai vai trò của thợ săn lẫn kẻ bị săn lùng. Âm thầm và nguy hiểm như một con hổ. Nhưng cũng thính hơi và chạy trốn nhanh như một con nai.
Tấc đất tấc vàng, khái niệm cần dẹp bỏ trong chiến tranh du kích
Một người lính du kích hay biệt kích thuần túy không có khả năng và không nên bám giữ đất đai. Nếu bắt buộc tử thủ thì tài năng cá nhân của họ không được khai thác. Ở một mãi một chỗ dễ trở thành tấm bia (target) cho bom đạn.
Thêm vào đó, nếu chiến tranh Việt - Trung nổ ra, ngay những đơn vị chính quy của Việt Nam cũng khó có thể đương đầu một cách công khai với quân đội Trung Quốc đông hơn gấp nhiều lần. Vậy thì phải làm sao ?
Xin thưa, thì vẫn phải rút lui. Nhưng rút lui sau khi đã… gài mìn bẫy . Người lính biệt kích giống như thợ săn bằng súng đạn. Người lính đặc công gài mìn cũng như người thợ săn gài hầm bẫy. Hai cách thức đều có chung một kết quả là vẫn triệt hạ được kẻ thù hay con mồi.
Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất của một người lính biệt kích - du kích là sống còn. Họ chỉ chiến đấu khi có yếu tố bất ngờ. Nhiều khi chưa đụng trận nhưng họ vẫn bỏ cuộc vì gặp phải những khó khăn làm cho yếu tố bất ngờ không còn nữa. Những thái độ liều lĩnh cố đạt mục tiêu cho bằng được đều đi đến hậu quả thê thảm. Chấp nhận sử dụng chiến thuật du kích một cách thuần túy thì phải rút lui và tạm bỏ những phần đất khó phòng thủ. Hà Nội cháy thì phải để cho cháy, Đà Nẵng chìm thì cứ để chìm. Những đống hoang tàn sẽ biến thành những "địa đạo Củ Chi".
Chiến lược của biệt kích - du kích là làm cho kẻ thù bị đánh bất thình lình, bị mệt mỏi, bị bao vây, bị tiêu hao và cuối cùng bị tiêu diệt. Càng kéo dài thời gian thì quân thù càng hao tốn. Ở Afghanistan, các chuyên gia ước lượng rằng mỗi năm, phiến quân Taliban chi tiêu khoảng 20 triệu đô la. Trong khi quân đội Mỹ tốn chừng 2 tỷ đô la mỗi tuần !
Lý do thứ ba khiến cho Việt Nam sống còn đến bây giờ là nhờ sự may mắn trùng hợp của lịch sử : khi Trung Quốc mạnh thì Việt Nam cũng mạnh. Lúc Việt Nam yếu thì Trung Quốc cũng yếu. Vì mạnh nên chúng ta mới chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Ngọc Hồi... Đến khi Việt Nam yếu, Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước loạn lạc, bế môn tỏa cảng thì bên kia cũng yếu, chính quyền nhà Thanh mục nát, nạn Mãn Châu, phát xít Nhật... 
Thời gian gần đây, vô số tướng lãnh Trung Quốc bị bắt vì tội tham nhũng. Đừng vội kết luận là Tập Cận Bình sẽ đưa những tướng lãnh có tài năng lên thay thế. Ông ta chỉ đưa những vây cánh của mình lên mà thôi. Logic của kẻ độc tài là : không ưu tiên trọng dụng những kẻ tài ba mà chỉ ưu đãi những kẻ trung thành. Dù những kẻ trung thành rất yếu kém.
Kết luận
Nhiều người có cảm tưởng rằng nếu có chiến tranh, Việt Nam sẽ thua Trung Quốc. Không phải lần đầu Việt Nam và nhiều quốc gia khác rơi vào hoàn cảnh : Biên giới không chiến hào. Chiến hào không súng ống. Súng ống không đạn dược. Đơn vị không binh sĩ. Binh sĩ không huấn luyện…
Nếu trên dưới đều đồng lòng áp dụng chiến tranh du kích một cách có bài bản. Nghĩa lả chọn lựa chiến đấu ở những nơi mà quân số đông không thể triển khai, chúng ta vẫn có thể ngang nhiên chống cự và làm tiêu hao nhân lực lẫn tài lực của quân địch. Điều này cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đầu hàng Trung Quốc không phải vì lý do quân sự, mà vì lý do chính trị.
Một thắc mắc được nêu ra là nếu sau này đất nước không còn chế độ cộng sản, có nên kêu gọi thanh niên, học sinh nhập ngũ nữa hay không ?
Theo ý kiến cá nhân thì không cần. Với lực lượng an ninh khổng lồ của chế độ cộng sản còn sót lại, nếu được chỉ dẫn và trang bị phù hợp, chỉ trong vài ba tuần là họ sẽ biến thành những chiến binh đặc nhiệm. Quân đội Trung Quốc có hơn 2 triệu người. Nhưng nếu chúng ta biết khéo xoay sở, sẽ có hơn 5 triệu lính đặc công gài mìn để đối đầu !
Dương Thành Tân
(1) Nguyên văn tiếng Anh : "We shall go on to the end. We shall fight in France, we shall fight on the seas and oceans, we shall fight with growing confidence and growing strength in the air, we shall defend our island, whatever the cost may be. We shall fight on the beaches, we shall fight on the landing grounds, we shall fight in the fields and in the streets, we shall fight in the hills ; we shall never surrender".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét