Dân chủ cáo
chung tại Ai Cập?
Thế giới vừa trải qua một
tháng 3 ghê rợn. Một máy bay dân dụng tối tân biến mất với hơn hai trăm người
và sau hơn ba tuần người ta vẫn chưa tìm ra một vết tích chắc chắn nào. Một nước
-nước Nga- xâm chiếm và sáp nhập một vùng –Crimea- của một nước khác –Ukraina-,
thách thức cả thế giới. Nhưng sự kiện kinh khủng nhất là một biến cố rất ít được
nói tới: sau một phiên xử tống tháo chỉ kéo dài hai ngày, một tòa án Ai Cập đã
tuyên án tử hình 529 đảng viên đảng Anh Em Hồi Giáo của nguyên tổng thống
Mohamed Morsi. Họ bị buộc tội đã giết một sĩ quan cảnh sát hồi tháng 8-2013. Điều
đáng ngạc nhiên hơn cả là bản án thô bạo ngoài mọi tưởng tượng này đã chỉ gặp
những phản đối yếu ớt từ dư luận thế giới. Tình trạng này khiến người ta phải tự
hỏi phải chăng dân chủ và pháp luật đã cáo chung tại Ai Cập?
Điều chắc chắn là Ai Cập đã rơi
vào thảm kịch nội chiến từ tháng 7-2013 sau khi quân đội đảo chính lật đổ
Mohamed Morsi, vị tổng thống đầu tiên được bầu ra bằng tuyển cử tự do trong lịch
sử Ai Cập. Cuộc nội chiến này không cân xứng bởi vì đảng Anh Em Hồi Giáo họ
không có quân đội và cũng không có cả hậu thuẫn của quần chúng, kể cả đa số những
người đã bầu cho Mohamed Morsi. Tuy vậy nó cũng sẽ tàn phá và dìm sâu hơn nữa
Ai Cập vào cảnh nghèo khổ chậm tiến. Điều cũng chắc chắn không kém là Ai Cập đã
có thể tránh được thảm kịch này nếu có được một nhân sự chính trị lành mạnh.
Không ai có thể phủ nhận sự mù
quáng quá đáng của Morsi và đảng Anh Em Hồi Giáo. Họ được bầu lên với một đa số
mỏng manh -51% trong một cuộc bầu cử trong đó gần phân nửa cử tri không tham
gia- nhưng lại tự coi là có tất cả mọi quyền. Họ lên cầm quyền nhờ dân chủ
nhưng lại làm như muốn xóa bỏ dân chủ để thiết lập một chế độ Hồi Giáo. Họ
không nhắm phục vụ đất nước Ai Cập mà nhắm phục vụ Hồi Giáo. Và họ cũng không
biết điều hành một quốc gia. Kết quả là họ đã đưa Ai Cập đến khủng hoảng toàn
diện –chính trị, kinh tế, an ninh, xã hội-
và tạo điều kiện cho quân đội đảo chính tiêu diệt họ với sự đồng tình của
đa số dân chúng. Họ đã là nạn nhân của chính mình. Hàng ngàn đảng viên đã bị
tàn sát, hàng ngàn người khác đang bị cầm tù, đảng Anh Em Hồi Giáo hoàn toàn
tuyệt vọng và sẽ bị xóa bỏ trên chính trường Ai Cập. Họ đã không hiểu rằng dân
chủ trước hết đòi hỏi các đối tác phải tôn trọng nó, khi lợi dụng dân chủ để
xóa bỏ dân chủ họ đã mất tất cả sự chính đáng.
Thêm chú thích |
Đây không phải là lần đầu tiên mà
quân đội đảo chính lật đổ một chính quyền xuất phát từ bầu cử tự do và không những
không bị lên án mà còn ít nhiều được ủng hộ vì được coi là đã cứu nguy dân chủ.
Năm 1992 quân đội Algérie cũng đã đảo chính sau khi Mặt Trận Hồi Giáo Cứu Quốc
-mà mục tiêu công khai là áp đặt một chế độ thần quyền Hồi Giáo- thắng lớn
trong một cuộc bầu cử. Kết quả là hơn mười năm nội chiến và Mặt Trận Hồi Giáo Cứu
Quốc bị tiêu diệt. Kịch bản này đang lặp lại tại Ai Cập.
Nguyên nhân sâu xa của những thảm
kịch tại Bắc Phi và Trung Đông là tại đây để thiết lập dân chủ các quốc gia phải
giải quyết cùng một lúc hai vấn đề: đánh đổ những tập đoàn độc tài và đưa Hồi
Giáo ra khỏi chính trị để trở về đúng địa vị của một tôn giáo.
Dân chủ không chết tại Ai Cập,
nhưng nó đòi hỏi đồng thuận trên một nhà nước thế quyền.
ÿ Ban
Biên Tâp Tổ Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét